Nhìn lại 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy

13/03/2023 - 20:18

 - Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản liên quan (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý. Sau hơn 1 năm thực hiện, kết quả đạt được khá nhiều, nhưng khó khăn vẫn tồn tại song hành.

Đưa luật vào cuộc sống

UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành có liên quan tham mưu quán triệt, triển khai Luật đến các địa phương, đặc biệt là đơn vị, cán bộ trực tiếp phòng, chống ma túy từ cấp tỉnh đến cấp xã; tuyên truyền, phổ biến luật trên phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo cán bộ, nhân dân nắm và thực hiện.

Thời điểm đó, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, bởi phần lớn gia đình có người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy buông lỏng quản lý, không hợp tác với lực lượng chức năng. Một số địa phương chưa huy động được sức mạnh tổng hợp trong lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, dẫn đến việc ỷ lại, xem công tác này là của riêng lực lượng công an...

6 tháng đầu năm 2022, công tác xác định tình trạng nghiện và quy định nơi tạm giữ hành chính trong thời gian xác định tình trạng nghiện gặp một số khó khăn, nên số người nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thấp (71 người). Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sở Y tế nhanh chóng cấp giấy chứng nhận và công bố cơ sở y tế, bác sĩ đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, gỡ khó việc lập hồ sơ xử lý người nghiện... Nhờ vậy đến cuối năm 2022, số người nghiện đưa đi cai nghiện bắt buộc tăng (205 người).

Mặt khác, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của tỉnh làm tốt công tác tấn công, trấn áp tội phạm ma túy; thường xuyên rà soát, quản lý địa bàn và đưa vào quản lý nghiệp vụ đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy, có biện pháp đấu tranh hiệu quả. Năm 2021-2022, An Giang phát hiện, bắt giữ 447 vụ, 739 đối tượng. Đa số vụ việc bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng (295 vụ, 471 đối tượng), ma túy thu giữ không nhiều.

Theo UBND tỉnh, từng ngành kiểm soát tốt hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy trong lĩnh vực công nghiệp, y tế. Tính đến nay, chưa phát hiện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để phạm tội.

Tháo gỡ vướng mắc

Đến tháng 12/2022, tỉnh có 2.917 người nghiện có hồ sơ quản lý và 347 người người sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 2.541 người nghiện so cùng kỳ năm 2021). Theo đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, tình trạng này tạo ra nhu cầu tiêu thụ ma túy lớn, kích thích tội phạm về ma túy phát sinh và tăng cường hoạt động. Tội phạm ma túy và người nghiện ma túy lợi dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn…) để phạm tội tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho công tác đấu tranh.

Từ thực tiễn địa phương, quá trình đưa Luật Phòng, chống ma túy vào cuộc sống xuất hiện nhiều trở ngại, vướng mắc. Điển hình như, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh. “Để triển khai, cần phải có tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện; UBND cấp xã bố trí điểm tiếp nhận đăng ký, bố trí cán bộ tiếp nhận, thẩm định, tư vấn, theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, theo quy định luật, hiện nay tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích tổ chức, cá nhân và chưa có chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người kiêm nhiệm tham gia công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng” - đại tá Bùi Tấn Ân thông tin.

Công tác xác định tình trạng nghiện đã được triển khai tại cấp xã. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp có biểu hiện ảo giác, loạn thần, chống đối, đập phá; hệ thống cơ sở y tế ở địa phương không có nơi lưu trú dành riêng; hầu hết công an xã không bố trí được nơi để tạm giữ đối tượng này.

Luật Phòng, chống ma túy cho phép cơ sở cai nghiện ma túy được phép xác định tình trạng nghiện. Các cơ sở không thực hiện được, do chưa có văn bản hướng dẫn. Tại An Giang, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhiều năm không thu hút được bác sĩ vào làm việc; không thực hiện được chức năng khám, chữa bệnh nâng cao hay xác định tình trạng nghiện...

Khi đoàn giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc tại tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nêu các khó khăn, vướng mắc tỉnh đang gặp, đồng thời đề xuất: “Cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, nhằm giảm tải áp lực của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn về công tác quản lý, cai nghiện ma túy để triển khai thống nhất trên toàn tỉnh”.

Ngoài ra, An Giang đề nghị bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho phù hợp; ban hành mẫu bệnh án theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy; quy định mức giá thu chi phí theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan ghi nhận những kết quả An Giang đã làm được thời gian qua, cùng với khó khăn, vướng mắc tỉnh gặp phải. Đây là thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương, là cơ sở quan trọng để đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp, có giải pháp đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, tháo gỡ quy định cho phù hợp thực tế.

GIA KHÁNH