Sài Gòn nhớ mãi không quên
Tối 19-11-2021, người dân TPHCM tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
Khi TPHCM bùng dịch, BS. Thanh là Phó Chỉ huy Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến, nơi mỗi ngày có khi nhận hơn 6.000 cuộc gọi “cầu cứu” của bệnh nhân COVID-19 từ các quận, huyện. Tiếp nhận cuộc gọi, sàng lọc thông tin, tìm đủ cách hỗ trợ nhưng cũng như đội ngũ y tế các nơi, nhiều lúc, Thanh và mấy trăm tình nguyện viên khác tại “điểm nóng” này không đủ sức giúp hết mọi người.
Thanh nói, đau lòng nhất là nghe tiếng thều thào kêu cứu của bệnh nhân mà chưa tìm ra cách giúp họ vì biết rằng, chậm trễ một chút có thể chẳng còn cơ hội nào. Mấy tháng trời xa nhà làm nhiệm vụ, nữ bác sĩ trẻ thấm thía những đau thương, mất mát mà đồng bào đang gánh chịu trong cơn đại dịch chưa có tiền lệ này. Thanh hay dặn các tình nguyện viên cố gắng không chợp mắt dù là 5 phút vì trong lúc đó rất nhiều đôi tay yếu ớt đang cần được nắm lấy.
Dịch bệnh dần được kiểm soát, Thanh trở về nhà nhưng những ký ức hiện rõ trong từng giấc ngủ. Biết là không thể cứu hết tất cả nhưng nghe ai đó “về trời”, Thanh lại thương. “Xin hãy dừng lại một chút. Xin hãy lắng lòng thương nhớ họ, hơn 23 ngàn người - những người đã không may mắn mãi mãi ra đi vì dịch bệnh”, bác sĩ Thanh chua xót tưởng nhớ.
Với những thân nhân của người đã khuất, nỗi đau đó nhiều gấp bội phần, không thể đong đếm bằng lời. Nó quá to lớn, khắc sâu tới mức có lẽ, cả phần đời còn lại họ chẳng thể nào quên.
Trong căn nhà rộng, hai anh em B. (TP. Thủ Đức) tắt đèn, bật ti vi, ngồi lặng im bên nhau cầu nguyện suốt lễ tưởng niệm. Cạnh đó, bàn thờ đơn giản của ba mẹ B. được thắp nến, có cắm thêm hoa tươi do đồng nghiệp ba mẹ vừa gửi. Dịch bệnh tàn khốc đã cướp mất cả ba lẫn mẹ, để lại anh em B. bơ vơ giữa dòng đời. Mấy tháng rồi, cả hai anh em vẫn chưa quen được với cuộc sống mới trong căn nhà đìu hiu, vắng tiếng dặn dò của mẹ, chọc ghẹo của ba. Đau thương quay quắt!
Nhưng khi nhìn vào những ngọn nến trên tay những người có mặt tại Hội trường Thống Nhất TPHCM vào buổi tối tưởng niệm đáng nhớ, B. nhận ra vết thương bấy lâu như đang được chữa lành từng chút, từng chút: “Nhìn vào những ngọn nến đang cháy lung linh ấy, nhìn ánh mắt rưng rưng của mọi người, em xúc động lắm. Em biết, ngoài kia bao người cũng mất mát như mình và không ai quên những người đã nằm xuống trong đợt dịch này. Ba mẹ mất rồi, em và anh trai phải sống tiếp cuộc đời còn lại cho thật trọn vẹn để ba mẹ cũng thấy an tâm. Em mong, những lời cầu nguyện trong tối nay và cả những ngày qua sẽ giúp cho người đã mất tìm thấy bình an ở vùng đất mới”.
Từ 19h30, gia đình chị Nguyễn Thị Phương (quận Bình Thạnh) đã tắt đèn, thắp nến, cùng ngồi cầu nguyện cho đồng bào, chiến sĩ qua đời trong “cuộc chiến” quá nhiều mất mát này. Cách đây mấy tháng, khi TPHCM oằn mình chống dịch, chị Phương bàng hoàng nhận kết quả cả gia đình 5 người đều dương tính với COVID. Con gái út chị Phương chưa tròn hai tuổi, con trai lớn mới lên lớp hai, nỗi lo biến thành nỗi sợ khi cả nhà phải đi cách ly tập trung. Chị Phương xúc động kể lại: “Vào lúc đó tôi mới thấy được áp lực kinh khủng của đội ngũ y tế và cả tình thương của họ dành cho người bệnh. Họ canh ngày đêm để giành giật sự sống cho từng người dân. Gia đình tôi may mắn được điều trị khỏi, trở về nhà. Nhưng có những người đã ra đi mãi. Chúng tôi ngồi đây, cầu nguyện cho những người đã khuất được siêu thoát, gia đình họ bình an và tự hứa lòng sẽ phải sống tốt hơn cho lần trở lại này. Cảm ơn vì chúng ta vẫn còn đây”.
Nén nỗi đau để bước tiếp
Thả hoa đăng tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 trên kênh Nhiêu Lộc, trước cửa chùa Pháp Hoa (Quận 3, TPHCM). Ảnh: VGP/Gia Mỹ
Việt Nam đã phải nếm trải quá nhiều đau thương, mất mát sau bốn đợt dịch với hơn 1.000.000 người nhiễm COVID và hơn 23.400 người mãi mãi chẳng thể quay về tổ ấm của mình. Nhiều người mất chẳng kịp trăn trối điều gì với người thân, đến khi trở về chỉ còn là tro cốt. Con cái chẳng thể quấn vành khăn tang trên đầu vì phải cách ly, điều trị. Đau đớn nào bằng! Hơn 2.600 trẻ em bơ vơ sau đại dịch. Có em mất mẹ, mất cha, có em mất luôn cả mẹ cha, ông bà, những chỗ dựa khó lòng thay thế được. Nhưng rồi, bằng tình thương, sự sẻ chia, người dân TPHCM nói riêng - nơi tâm dịch chịu nhiều tổn thất nhất - và cả nước nói chung đã và đang siết chặt tay nhau bước qua đại dịch.
Từ tháng 10, khi TPHCM bước vào những ngày “thích ứng”, nhiều người dân còn tưởng đang mơ. Bởi cách đó mấy ngày, đường phố vẫn chi chít chốt chặn kiểm dịch, đầu hẻm vẫn giăng đầy dây, tiếng xe cấp cứu vẫn vang liên tục trong đêm. Nhưng sau gần hai tháng mở cửa từng bước, TPHCM đang phục hồi lại nếp sống dù biết còn rất nhiều trở ngại phía trước. Điều may mắn chúng ta có được trong trận chiến tàn khốc này là sự cống hiến hết lòng của đội ngũ y tế và những người làm công tác chống dịch, của đông đảo tình nguyện viên trên mọi miền đất nước, sự đồng thuận của người dân. Rất nhiều cánh tay đã đưa ra để nâng đỡ những người khó khăn trong cơn đại dịch. Chúng ta cùng dìu nhau đi qua mùa đau thương, đợi ngày vết sẹo ấy mờ dần đi. Chúng ta tiếp tục sống, sống thay cả những hoài vọng, ước mơ của những người vừa nằm xuống.
Đêm qua có lẽ là khoảnh khắc khó quên với nhiều người, nhất là thân nhân của đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Họ lắng lòng nghe tiếng chuông, tiếng còi tàu, tiếng nhạc tiễn đưa và nhìn thấy biết bao hình ảnh ấm áp nghĩa tình khi ở khắp nơi, từ những ngôi chùa, nhà thờ lớn đến các con kênh, tuyến phố, nhiều người xa lạ cùng ngồi lại, thắp nến, thả hoa đăng, đọc kinh nguyện cầu cho các linh hồn siêu thoát. Những nén nhang cùng hoa trắng lặng lẽ được đặt tại khu vực tưởng niệm trong ánh nến tạo thành khoảnh khắc khó quên.
Tác nghiệp suốt mấy tháng TPHCM tiến hành giãn cách xã hội để ghi lại những điều “trước đây chưa từng” tại nơi mình sinh ra và lớn lên, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nhiều lần rưng rưng vì thấu cảm với sự mất mát, đau thương mà đồng bào phải gánh chịu trong đại dịch. Có mặt tại lễ tưởng niệm tối qua, thêm một lần nữa, ông “chạm” vào nỗi đau này. Từng đứng giữa đường phố Sài Gòn không một bóng người, xung quanh toàn tiếng còi hú từ xe cứu thương, tận mắt thấy cảnh bác sĩ giành giật sự sống cho từng bệnh nhân COVID trở nặng tại khu hồi sức và thấy cả cảnh người nhà bệnh nhân nấc nghẹn bên cạnh hộp đựng hũ tro cốt, ông biết rằng nỗi đau này cần thêm nhiều thời gian mới có thể chữa lành. Có những nỗi đau đâu dễ dàng bước qua, như nỗi đau mà thân nhân những nạn nhân qua đời vì COVID đã và đang gánh chịu. Đưa máy lên nắm bắt những khoảnh khắc thiêng liêng, lắm lúc nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong khựng lại trước những giọt nước mắt đậm nghĩa đồng bào.
Lễ tưởng niệm kết thúc, bước chân ra cổng Hội trường Thống Nhất, ông bắt gặp một hình ảnh tràn ngập thương yêu. Trong bộ áo dài trắng, cô gái trẻ đứng khép nép ngoài cổng, tay cầm ly nến nhỏ đang cháy. Cô nói mình chạy xe từ huyện Bình Chánh đến đây để gửi lời cầu nguyện đến những người đã mất vì COVID, trong đó có dượng của mình. Đưa máy chụp bắt gọn hình ảnh ấy, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nhẹ nhàng tự bạch: “Khi người ở lại luôn nhớ đến mình, người ra đi sẽ được an ủi phần nào. Chúng tôi, những người ở lại học được rất nhiều điều từ cơn đại dịch để biết phải sống ý nghĩa hơn. Tôi ghi lại chặng đường đau thương này vì muốn nhắc chính mình không bao giờ được quên những mất mát hôm nay”.
Chúng ta hay bàn chuyện tương lai, chuyện mai kia nhưng khi dịch bệnh ập tới, chứng kiến quá nhiều mất mát, bi thương, ta nhận ra sống cho thực tại thật tốt đã là điều đáng trân quý. Những người đã nằm xuống, không ai lãng quên họ. Những gì đã trôi qua, không ai được lờ đi. Đi qua đau thương để thêm mạnh mẽ, để biết rằng sự sống là điều đáng quý phải giữ gìn bằng mọi giá. Và chỉ có sự chia sẻ, yêu thương mới là liều thuốc làm lành nỗi đau quá lớn này.
Theo GIA MỸ (Chính phủ)