Nhớ Tết xưa

12/02/2024 - 07:55

 - Trải qua bao cái Tết “nhạt”, vội vàng trở về quê rồi vội vàng rời đi, nhiều người đã không khỏi băn khoăn, lưu luyến nhớ Tết xưa, cái Tết bình yên giản dị, nơi thời gian và không gian như ngừng trôi để lòng người bình yên đón Tết.

Trường học tái hiện khung cảnh gói bánh tét đón Tết

Trong bao câu chuyện của người hiện đại, hình như ai cũng mang nỗi niềm lưu luyến Tết xưa. Bởi, có đi qua bao mùa Tết vội, người ta càng trân trọng những phút giây bình yên, hạnh phúc sum vầy bên mái nhà xưa, với cảnh sắc thanh bình ngày Tết quê nhà.

Với thời đại công nghiệp, nhiều người phải bám trụ với công việc mưu sinh, ngày Tết phải “cày” nhiều hơn để gia đình có thêm chút ít, sắm sửa cho ngày Tết đủ đầy hơn. Còn với người lao động làm thuê cho các doanh nghiệp, công nhân, viên chức, thời gian nghỉ Tết cận kề ngày Tết, có năm là 28, có năm là 29 tháng Chạp mới được nghỉ Tết, do vậy, họ không còn đủ thời gian để chuẩn bị cho ngày Tết.

Trong tâm thức người Việt, không khí Tết không chỉ riêng có 3 ngày mà những ngày đầu tháng Chạp, người lớn, trẻ con đã bắt đầu nôn nao đón Tết, với nhiều công việc, như: dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các món ngon ngày Tết. Chị Nguyễn Thị Như Ngọc (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) luôn nhớ về những ký ức đầy ngọt ngào, bình yên của Tết quê.

Chị Ngọc chia sẻ: “Ngày trước, ở quê mình đón Tết giản dị. Người lớn tranh thủ sơn lại nhà cửa, quét vôi mấy ngôi mộ của ông bà. Còn trẻ con phụ tổng vệ sinh nhà cửa, mang mùng mền ra giặt giũ, phơi nắng cho khô, giòn tan, thơm nắng. Rồi mẹ lại loay hoay đi chợ mua củ hành, củ kiệu về làm dưa, mua các loại bột để làm bánh kẹp, bánh in. 29 Tết, mấy chị em trong nhà lại xúm xít phụ mẹ gói bánh tét; đêm 30 Tết nướng bánh phồng, pha ấm trà nóng dâng cúng gia tiên. Vậy mà… giờ đây, con cái mỗi đứa một nơi, ngày mùng 1, mùng 2 Tết mới có thể về thăm mẹ”.

Chung niềm lưu luyến Tết xưa, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan (thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) bộc bạch: “Cuộc sống bây giờ tất bật hơn, thời gian nghỉ Tết ngắn hơn, mãi đến 28, 29 Tết mình vẫn chưa xong việc. Lúc hoàn thành việc cuối năm ở cơ quan, chạy ra chợ, mua sắm vội vàng ít trái cây, thực phẩm chuẩn bị nấu cơm cúng ông bà. Nhà cửa dọn dẹp qua loa, chứ tôi đâu còn thời gian để dọn dẹp như trước. Ở xóm tôi, vui nhất là hình ảnh những cô gái trước Tết 1 tháng dọn dẹp nhà cửa, mang mùng mền ra bến sông giặt giũ cho sạch sẽ, gần đến Tết thì tranh thủ lặt lá mai. Các gia đình còn so sánh, ngắm nhìn xem mai nhà nào trổ nhiều, đẹp nhất, như một niềm vui, niềm tin về một năm mới bình an, hạnh phúc”.

Tết trong ký ức của Nguyễn Thị Hương Giang (ngụ xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) là cảnh chợ quê nhộn nhịp. Hương Giang chia sẻ: “Nhà tôi ngay chợ Bà Vệ, mỗi năm Tết đến là tôi nhớ mãi cảnh người người nhà nhà tấp nập mua sắm Tết. Từ ngày 14, 15 tháng Chạp các gia đình đã mua sắm nào là vôi, xi-măng, các loại màu để chuẩn bị sơn lại mộ ông bà, đi tìm loại bột để lau chùi, đánh bóng bộ lư trên bàn thờ. Ngày 28 trở đi, người dân nô nức đi chợ mua gà, mua thịt, trái cây, rau củ để chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà. Tết xưa vui lắm, vậy mà qua mỗi năm nhịp sống càng thêm hối hả, không ai còn đủ thời gian để dọn dẹp hay làm các món ngon ngày Tết”.

Nhớ Tết xưa, rồi mọi người lại trông lại hình ảnh đón Tết ngày nay. Vẫn là người người, nhà nhà trong những bộ trang phục mới, trên nhiều phương tiện kéo nhau trở về quê nhà để dành tặng nhau những lời chúc mừng năm mới. Thế nhưng, trong sâu thẳm của những người hoài cổ, người ta cảm thấy như Tết nay nhạt hơn Tết xưa, đó là hình thức càng nhạt dần, ít thời gian để chuẩn bị đón Tết, ít thời gian để hàn huyên, chúc Tết lẫn nhau…

Từ đó, có thể có sự trao đổi, tìm hiểu về đời sống gia đình, chuyện học hành của con cái, nhìn lại chuyện làm ăn của năm qua và tính toán chuyện cho năm tới. Bởi, không gian trò chuyện thân tình đó đã nhanh chóng bị chi phối bởi hình thức văn nghệ mới, với âm thanh xập xình kéo dài miên man mà như quan niệm của số đông là nhằm bộc lộ, thể hiện tinh thần vui tươi, phấn khởi, chào đón một mùa Xuân mới sang.

Như lời của một triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus từng nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Do vậy, những nét sinh hoạt ngày Tết xưa, hình ảnh, món ăn, phong cách thưởng Tết, chơi Tết xưa dẫu là hay, đẹp nhưng vẫn buộc phải thay đổi theo dòng thời gian, theo dòng chảy cuộc đời, mà nơi đó cuộc sống ngày càng sôi động hơn và Tết có nhanh qua cũng là điều dễ hiểu. Trong quyển “Nếp cũ” của nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh đã chỉ ra rằng, do người Việt xưa sống thuần nông, có nhiều thời gian để chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, bày biện, dâng cúng gia tiên những phẩm vật tươi ngon nhất, như: Thịt heo, dưa hành, bánh chưng, bánh tét… Đó là những món sẵn có từ đời sống mùa vụ, để cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc cho gia đình.

Còn ngày nay, trong đời sống ngày càng phát triển, người dân đi muôn phương, hòa mình vào các khu công nghiệp, vào biết bao ngành nghề công nghiệp, dịch vụ khác, có người còn phải làm việc xuyên Tết nên không thể chăm lo cho gia đình một cái Tết đầy đủ, đầm ấm như trước đây, do vậy nhiều nhà không thể giữ mãi nét đẹp Tết xưa là điều đáng thông cảm.

“Ông đồ” hướng dẫn vẽ chữ thư pháp

Dẫu biết rằng đó là một quy luật tất yếu, sự phát triển hiển nhiên của đời sống con người, nhưng đâu đó trong tâm tư của những thế hệ người Việt hay những người làm công tác văn hóa, nghiên cứu văn hóa, người trân trọng văn hóa vẫn luôn ghi nhớ những kỷ niệm, ký ức xưa về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Trong đâu đó không gian Tết nay, người ta vẫn cố gắng tái hiện những khung cảnh Tết xưa như hình ảnh của ông đồ già ngồi cho chữ, gánh hàng rong bán món ngon ngày xuân, thiệp chúc đầu xuân đầy màu sắc, các em nhỏ được cha mẹ đầu tư các bộ trang phục áo bà ba, áo dài khăn đóng, các trường học tổ chức cho các em những trò chơi dân gian, các cơ quan hàng năm vẫn háo hức tham gia cuộc thi gói bánh chưng, bánh tét, chưng mâm ngũ quả, chợ hoa Xuân đầy ắp hình ảnh nam thanh nữ tú mua sắm hoặc chụp hình kỷ niệm…

Tất cả đang hòa mình trở lại Tết xưa, hãy lắng lòng và sống chậm hơn để kịp nghe nhịp đập của mùa xuân, hơi thở của đất trời, hương xuân ngào ngạt, của giá trị thiêng liêng hướng về cội nguồn, gia đình ngày Tết ngập tràn tình yêu thương, đong đầy những giá trị gắn kết gia đình, làng xóm, để nét đẹp văn hóa Việt luôn chảy trong dòng phát triển văn hóa của nhân loại.

NGỌC GIANG