Như cánh chim không mỏi

30/12/2022 - 02:43

 - Năm 2023 đã đến thật gần. Một mùa xuân nữa lại về trên khắp đất nước Việt Nam. Đó là mùa xuân thật sự sung túc, ấm no, tràn ngập niềm vui cho mọi người dân. Đã từng trải qua lầm than, mới biết quý trọng hòa bình. Đã từng sống kiếp nô lệ, mới thấm thía giá trị của tự do. Và những điều tích cực ấy, đều đến từ một con đường đặc biệt.

Đã có rất nhiều hoài nghi, xuyên tạc: “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm lịch sử”, là “ảo tưởng”, là “thiên đường bánh vẽ”. Chúng cho rằng, nếu lấy mốc thời gian tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời, gần 200 năm mà CNXH không trở thành hiện thực, bị sụp đổ ngay ở nước Nga - quê hương của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười. Hay “Việt Nam quá độ đi đâu?”, khi là nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn phá. Chúng khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam không bao giờ vượt qua được chặng đường quá độ, chứ đừng nói đến việc “về đích CNXH”.

Những kiểu câu hỏi ấy thể hiện “tầm nhìn” và “kiến thức” lạc loài, đứng ngoài lịch sử của thế lực thù địch, phản động. Vì điều gì, mà từ “đêm trường nô lệ”, bị “nướng trên ngọn lửa hung tàn”, “vùi xuống dưới hầm tai vạ”, người dân Việt Nam trở thành chủ nhân 1 quốc gia độc lập, tự do; sống trong đất nước hòa bình? Vì đâu, mà từ nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, sánh vai với thế giới? Là bởi vì, Việt Nam chọn con đường đi lên CNXH, sau khi xem xét toàn diện, thấu đáo vận mệnh của dân tộc.

Theo quan điểm duy vật biện chứng khoa học, các nhà kinh điển Mác-xít chỉ ra hình thái kinh tế - xã hội (KTXH) cộng sản chủ nghĩa tất yếu ra đời, thay thế hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa. Nhưng, trước khi thay thế được, nó phải trải qua “1 thời kỳ và 2 giai đoạn”. Đó là thời kỳ quá độ, giai đoạn đầu là CNXH, giai đoạn cao là cộng sản chủ nghĩa.

Tất cả phải trải qua quá trình cải biến cách mạng lâu dài; không bao giờ tự phát hình thành, mà thông qua vận động của các quy luật về KTXH, con đường đấu tranh cách mạng để xóa bỏ áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản và xây dựng xã hội mới. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc đi nhắc lại rằng, sự nghiệp xây dựng CNXH rất lâu dài, vô cùng khó khăn gian khổ. Tất cả chưa có tiền lệ, vừa học, vừa làm, vừa tổng kết, vừa rút kinh nghiệm. Chính vì thế, thiếu sót là không thể tránh khỏi, thuộc về cá nhân, tổ chức vận dụng lý luận; chứ không phải do chủ nghĩa Mác - Lê-nin, do Đảng ta, do định hướng XHCN.

Quan trọng hơn, người dân Việt Nam đang trực tiếp thụ hưởng thành tựu trên hành trình ấy. Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội cuối năm 2022, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình KTXH trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao.

Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng; hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo kết nối hàng hóa với thế giới và có mức thặng dư tích cực. Quốc phòng - an ninh đảm bảo ổn định; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách tài khóa tiền tệ phục hồi, phát triển KTXH sau đại dịch COVID-19; tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công… được nhiều tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Chính phủ đã chú trọng kiên trì mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và nhiều điểm sáng tích cực.

Từ phát triển của đất nước, so sánh với hàng loạt bất ổn trong khu vực và trên thế giới, chúng ta có cảm thấy tự hào? Với mỗi người dân yêu nước, chắc chắn rằng, câu trả lời là có. Việt Nam, bằng hành động mạnh mẽ, đã khẳng định việc xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam cho thấy, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Việt Nam phát huy tối đa yếu tố quyết định - con người; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Như cánh chim không mỏi, Việt Nam tiếp tục hành trình “đi tìm tổ ấm”. Đó là hành trình xây dựng CNXH, tổ ấm là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Gian khổ vẫn còn đó, khó khăn chưa bao giờ vơi đi. Việt Nam sẽ tiếp tục vượt khó vươn lên và phát triển...

T.M