Những dấu mốc đổi mới trên quê hương An Giang

20/08/2018 - 04:43

 - Tự hào là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã không ngừng nỗ lực vượt khó, vươn lên từ một tỉnh đói ăn, nhận trợ cấp lương thực từ Trung ương, trở thành “vựa lúa” của cả nước. Những thành tích đạt được trên chặng đường phát triển của An Giang, như những đóa hoa dâng lên Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong mỗi lần mừng sinh nhật Bác.

Tập trung mọi nguồn lực

Dù là địa phương có diện tích đất nông nghiệp (NN) lớn nhưng 10 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước (1975 - 1985), do ảnh hưởng cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, sức sản xuất (SX) bị kiềm hãm nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang rất chậm, hàng hóa vừa ít, vừa kém chất lượng, đất bị bỏ hoang hóa thường xuyên trên 30.000ha, tỉnh chủ yếu sống dựa vào trợ cấp của Trung ương, trong đó có cả lương thực cứu đói.

Nỗ lực của An Giang giai đoạn này là tăng cường khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, tích cực chuyển đổi lúa 1 vụ (lúa mùa) sang lúa ngắn ngày có năng suất cao hơn. Tỉnh chủ trương đắp đê bao chống lũ, bảo vệ SX toàn bộ vụ hè thu, tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi nội đồng để đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho việc mở rộng lúa tăng vụ.

Giai đoạn 1986-1990, An Giang bước vào thời kỳ đổi mới. Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang xuống thấp, lạm phát lên đến 700%, tỉnh đã chuyển từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, phát huy thế mạnh NN. Ngay từ những năm 1981-1982, An Giang đã sớm cho chuyển từ giá bao cấp “1 giá” của Nhà nước sang cơ chế “2 giá” (gồm giá quốc doanh và giá thỏa thuận).

Giai đoạn 1982-1986, tỉnh cho thực hiện hợp đồng kinh tế 2 chiều trong NN (gồm giá trong nghĩa vụ và giá khuyến khích). Đến năm 1987, tỉnh chủ trương thực hiện cơ chế “1 giá” là giá thị trường của thời kỳ đổi mới. Từ đó, nông dân (ND) được tự do bán sản phẩm với giá mình chọn, kích thích năng lực SX tăng lên nhanh chóng.

Thực hiện Chỉ thị 47 của Bộ Chính trị, tỉnh đã có Quyết định 303 tiến hành giao đất ruộng cho ND trực tiếp canh tác, tôn trọng quyền sử dụng hợp pháp ruộng đất lâu dài và ổn định của ND để phát triển SX. Nhờ sự đổi mới này, năm 1988, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn. Năm 1989, xuất khẩu (XK) đạt trên 60 triệu USD, gấp 9 lần năm 1985. Năm 1990, sản lượng lương thực của tỉnh vượt qua ngưỡng 1,5 triệu tấn, XK 120.600 tấn, tăng 16 lần so năm 1985...

Quyết tâm mạnh mẽ

Giai đoạn 1991-1995, kinh tế An Giang phát triển với nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tăng 9,9%, cao hơn cả nước (8,2%); số hộ nghèo giảm dần và điện, đường, trường, trạm được đầu tư đến nhiều vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Năm 1994, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 2 triệu tấn.

Đến năm 1995, kim ngạch XK đạt 132 triệu USD, tăng gấp đôi năm 1990, trong đó gạo đã xuất được 367.579 tấn (tăng gấp 3 lần), thu ngân sách 672 tỷ đồng (gấp 4 lần). Tính chung giai đoạn 1991-1995, XK của tỉnh đạt 500 triệu USD, tăng gấp 4 lần thời kỳ 1986-1990. Nhờ tín dụng được mở rộng, hộ nông dân và SX kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh vay tăng 128 lần.

Giai đoạn 1996-2000, An Giang nỗ lực khắc phục khó khăn thiên tai, tập trung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi nhằm phát huy thế mạnh NN, phục vụ SX từ 2 vụ lên 3 vụ/năm ở những vùng có điều kiện, kết hợp hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường liên xã.

Các công trình thoát lũ ra biển Tây và xây dựng cụm, tuyến dân cư bước đầu phát huy hiệu quả tốt, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra. Năm 1997, kim ngạch XK đạt mức cao nhất 168 triệu USD, trong đó lượng gạo XK đạt 618.303 tấn. Đến cuối năm 2000, toàn tỉnh có 10.736 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 1996-2000 đạt 6,88%.

Đầu giai đoạn 2001-2005, An Giang phải chi đến 2.640 tỷ đồng để khắc phục hậu quả 2 trận lũ lớn liên tiếp (1999, 2000), khiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2001 chỉ đạt 4,5% nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn là 8,94%. Năm 2005, GDP bình quân đầu người đạt 8,53 triệu đồng, gấp gần 8 lần năm 1991.

Thu hút đầu tư

Giai đoạn 2006-2010, cùng với cả nước, nền kinh tế An Giang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do lạm phát, giá cả tăng cao trong năm 2008, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 kéo dài đến năm 2010.

Tuy nhiên, nhờ tập trung nguồn vốn hơn 8.226 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng, tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư, khai thác tốt lợi thế du lịch, kinh tế biên giới, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn này đạt rất cao (10,18%). Năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt hơn 21,9 triệu đồng, kim ngạch XK 600 triệu USD...

Sang giai đoạn 2011-2015, An Giang chịu tác động bất lợi của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Dù vậy, tỉnh vẫn tập trung được nguồn lực đầu tư hơn 13.490 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn này đạt 8,63%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt gần 39,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,84% (năm 2011) còn 2,5% (năm 2015).

Giai đoạn 2016-2020, An Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân từ 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt từ 56,9-58,3 triệu đồng/người/năm, kim ngạch XK 5 năm đạt 6.050 triệu USD, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) bình quân 1,5%/năm, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới… “An Giang là tỉnh NN và có thế mạnh về thương mại.

Quan điểm phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020 xác định NN và du lịch là 2 mũi nhọn, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh, tạo nền tảng để phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến và xây dựng” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 _ 20-8-2018), dự kiến ngày 12-9 tới, An Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với mục tiêu thu hút đầu tư mạnh mẽ, khai thác những dự án lớn, trọng điểm, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đây cũng là món quà ý nghĩa dâng lên Bác Tôn kính  mến

NGÔ CHUẨN