Những đứa trẻ không có Trung thu

18/09/2021 - 14:21

Mỗi dịp Tết Trung thu về, trẻ con háo hức được xúng xính váy áo mới cùng cha mẹ đi dạo chợ sắm đèn lồng, đồ chơi, được nếm những chiếc bánh ngọt ngào… Nhưng năm nay, niềm vui tưởng như rất đỗi bình dị ấy bỗng trở thành điều không thể. Với nhiều em, hơi ấm của mẹ cha đã mãi mãi dừng lại trong ký ức mùa trăng trước.

Đại dịch đã cướp đi người mẹ của em Phạm Hoài Ngọc và bé Bùi Khải Nguyên (TP Thủ Đức).

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Một chia sẻ trên trang Facebook cá nhân một bức ảnh chụp từ 20 năm trước, người cha chạy xe ba gác đang đưa con gái đi sắm đồ Trung thu. Cứ mỗi mùa Trung thu, anh lại nhớ đến niềm hạnh phúc của cha con ấy. Đều đặn như việc anh có cái thú chén ngấu nghiến hết cả chiếc bánh trung thu chỉ để tìm lại cảm giác năm lên mười mới được nếm miếng bánh đầu tiên, quá ngon. Năm nay, anh viết: Tôi buồn!

Vì hình ảnh cha con cùng đi chợ trung thu đã không còn nữa. Phố thị cũng không còn cảnh bán mua tấp nập những sản phẩm chỉ dành cho mùa trăng duy nhất trong năm… Biết bao những gia đình sống nhờ nghề làm bánh, nghề làm đồ chơi truyền thống giờ đã phải lên tiếng xin cứu trợ vì đứt bữa.

Nhưng nỗi đau vượt xa giới hạn của một chữ “Buồn”. Dịch Covid-19 không chỉ khiến Tết Trung thu năm nay biến mất, mà còn khiến cho biết bao đứa trẻ lâm vào hoàn cảnh, vĩnh viễn mất đi những người thân yêu nhất!?

Ngày chào đời của bé Bùi Khải Nguyên tại Bệnh viện Từ Dũ cũng chính là ngày em mất mẹ. Ở tuần mang thai thứ 32, tình trạng của chị Lê Ngọc Ánh Huệ, bệnh nhân Covid-19 trở nên nguy kịch, bác sĩ đành phải chỉ định mổ để cứu thai nhi. Chúng tôi tìm đến nhà Khải Nguyên sau khi bé xuất viện được 15 ngày. Trong căn nhà trọ nằm sâu trong con hẻm 989 ở tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, bé Nguyên được bà ngoại, dì, ba và cả chị hai Phạm Hoài Ngọc ngày đêm chăm sóc. Tiếp chúng tôi, anh Bùi Tấn Nghiệp, chồng của chị Huệ vẫn chưa thể tin được ngày đón bé Nguyên từ viện về cũng là ngày tro cốt vợ được các chiến sĩ bộ đội đưa tới nhà.

Chị Huệ và anh Nghiệp là mối tình chắp lại sau khi cả hai đều lỡ dở. Cả hai vợ chồng là người ở quận 4 qua Thủ Đức bám chợ đầu mối để mua bán rau. Tai họa đột nhiên giáng xuống, giờ nỗi lo lớn nhất với anh Nghiệp, là làm sao bù đắp cho đứa con sinh non, chưa một lần biết hơi ấm của mẹ. Với Ngọc, con riêng của chị Huệ, dù gia đình cố giấu tin dữ, nhưng cô bé vừa tròn bảy tuổi đã lờ mờ nhận ra. Em nấc nghẹn: “Đừng giấu con, con không có tội...”.

Covid-19, chắc chắn sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với em Nguyễn Thị Mai Khanh, ở khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Mới 14 tuổi nhưng vỏn vẹn trong 30 ngày, nỗi đau chồng nỗi đau, em mất đi người cha, sau đó là bà ngoại, mẹ và ông ngoại đều mất vì dịch bệnh. Nhà của Khanh lại sát vách nhà ông, bà ngoại nên đã hiu quạnh càng thêm hiu quạnh. Anh Nguyễn Thanh Hùng, cậu của Khanh, cho biết, ngày ngày cô bé cứ thẫn thờ, quẩn quanh trong nhà có bàn thờ vọng và hũ tro cốt của bốn người ruột thịt. Vốn đã nghỉ học từ sớm, giờ mong mỏi học được cái nghề kiếm cơm với con bé cũng thành xa lắc, người cậu thở dài…

Tính đến ngày 10/9, tại TP Hồ Chí Minh, trừ huyện Cần Giờ, thì 21 quận, huyện còn lại và TP Thủ Đức đều có trẻ có cha, mẹ chết vì Covid-19. Bên cạnh đó là hàng nghìn trẻ đang phải đi cách ly, hoặc điều trị bệnh. Đơn cử tại quận Gò Vấp, gần 2.700 trẻ cách ly tại nhà, 400 trẻ cách ly tập trung, 20 trẻ có cha, mẹ bị mất. Huyện Bình Chánh có 104 trẻ mất cha, mẹ, trong đó có một em mất cả cha và mẹ. ở TP Thủ Đức số trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gần 2.000 em, trong đó 183 em là F1, F0; 13 trẻ có cha, mẹ và người nuôi dưỡng chết vì Covid-19.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, cần phải tập trung rà soát và nắm bắt kỹ tình hình đối tượng trẻ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhất là trẻ mồ côi cha, mẹ, thiếu người nuôi dưỡng. Từ đó đưa ra những phương án hỗ trợ khẩn cấp về nơi ở, người nuôi dưỡng thay thế, chế độ chăm sóc, các thủ tục pháp lý và tư vấn tâm lý… Cũng theo bà Thanh, dịp Trung thu năm nay, Thành phố sẽ tập trung quan tâm đối tượng trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 bằng nhiều hoạt động chăm lo thiết thực...

Hiện nay, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cũng đã có những hoạt động kết nối với các tổ chức, các nguồn lực xã hội trong cộng đồng để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ em bị tác động bởi Covid-19 như hỗ trợ tiền mặt, sữa, lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức UNICEF, Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng phối hợp Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh triển khai gói hỗ trợ chăm sóc thay thế đối với các trẻ em mồ côi do có cha, mẹ mất vì Covid-19 hoặc cha, mẹ bị Covid-19 phải đi cách ly điều trị tập trung.

Ngoài ra, Hội cũng đã bố trí chuyên gia bảo vệ trẻ em, luật sư thực hiện các hoạt động tư vấn, tham vấn và trợ giúp pháp lý cho các trường hợp có nhu cầu. Đồng thời, có văn bản kiến nghị thành phố sớm tổ chức, bố trí cơ sở để tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng riêng các em không có người chăm sóc và nuôi dưỡng. Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, đây chính là những việc làm cấp thiết giúp các em vơi đi những mất mát, thiệt thòi khi Tết Trung thu đang đến rất gần… Làm gì để giúp các em vượt qua được những sang chấn tâm lý, có lẽ là điều cần được lo nghĩ đến từ thời điểm này.

Theo LÊ MẠNH (Nhân Dân)