Quang cảnh sau một cuộc không kích vào khu chợ Nuseirat ở trung tâm Gaza ngày 23/10. Ảnh: New York Times
Khi quân đội Israel tập trung xe tăng tại biên giới Dải Gaza cho một cuộc tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt Hamas, các chuyên gia cảnh báo rằng quân đội nước này có thể phải đối mặt với những cuộc giao tranh đô thị ác liệt nhất kể từ Thế chiến II tại Gaza City và những khu vực đông dân cư khác.
Các quan chức Mỹ còn đưa ra những so sánh thảm khốc với Iraq: Hãy nhớ lại Fallujah, Iraq, năm 2004; hay cuộc chiến kéo dài 9 tháng nhằm đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mosul, Iraq vào năm 2016 khiến 10.000 dân thường thiệt mạng. Sau đó hãy nhân số lượng tổn thất lên.
Hamas có số lượng chiến binh nhiều gấp 3 đến 5 lần - có lẽ là 40.000 người - tổng chiến binh mà IS có ở Mosul. Họ có thể thu hút nguồn dự bị từ dân số trẻ, bất ổn và nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các quốc gia như Iran. Ngay cả khi tự mình chiến đấu, ban lãnh đạo của Hamas cũng đã có nhiều năm chuẩn bị cho trận chiến trên khắp Gaza, kể cả trong các khu phố, nơi ưu thế vượt trội của xe tăng và đạn dược chính xác có thể bị cản trở bởi chiến thuật du kích.
Israel đã huy động lớn để chuẩn bị cho một chiến dịch tổng lực vào Dải Gaza. Ảnh: NYT
Trung tá Thomas Arnold, chiến lược gia của Quân đội Mỹ, người từng công bố các nghiên cứu về chiến tranh đô thị ở Trung Đông, cho biết: “Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ. Các thành phố là 'sân chơi của quỷ', chúng khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề sẽ “hủy diệt Hamas”. Nhưng Gaza, nơi được đô thị hóa mạnh mẽ, với mạng lưới Hamas cố thủ sâu rộng, là một chiến trường đặc biệt phức tạp.
Theo tờ New York Times, soi chiếu từ lịch sử, có ba yếu tố rất có thể sẽ định hình một cuộc chiến trên bộ ở các thành phố của Gaza: môi trường đô thị, sự tương tác giữa chiến binh và dân thường, và áp lực chính trị, dư luận.
Cảnh quan
Dải Gaza rộng khoảng 360km2, một dải hẹp với một cụm trung tâm dân cư đô thị. Thủ phủ, Gaza City có khoảng 700.000 người tập trung trong khoảng hơn 50km2, với nhiều tòa nhà cao tầng hơn những tòa nhà ở Mosul, tạo ra một mặt trận ba chiều nguy hiểm hơn.
Mặt trận "ba chiều" ở các khu đô thị của Gaza là một thách thức khó lường với quân đội Israel. Ảnh: Getty Images
Nhiều cuộc tấn công đô thị - từ thời Trung cổ đến thời hiện đại - đã bắt đầu với tốc độ nhanh chóng, để rồi sau đó sa lầy vào các khu vực có lợi cho quân phòng thủ. Mosul là một ví dụ điển hình; một vụ khác là cuộc bao vây Mariupol, Ukraine hồi năm ngoái. Vài nghìn binh sĩ Ukraine đã trấn giữ thành phố trong gần ba tháng trước một lực lượng tiến công của Nga đông gấp 5 đến 8 lần.
Israel đã phá hủy hàng trăm tòa nhà ở Gaza trong các cuộc không kích. Nhưng Hamas lại xây dựng hàng trăm kilomet đường hầm dưới thành phố có thể được sử dụng để di chuyển giữa các vị trí tấn công, che giấu con tin và bảo vệ nguồn cung cấp. Chưa kể những bất ngờ khác như xưởng tên lửa trong trường học, vũ khí cất giữ trong các nhà thờ Hồi giáo, có thể sẽ xuất hiện.
Dân thường hay chiến binh?
Chiến tranh đô thị có xu hướng làm mờ ranh giới đó hơn theo những cách chết người.
Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành ở Gaza, Israel đã bị cáo buộc giết chết hàng nghìn dân thường trong các cuộc không kích, trong đó có 1.200 trẻ em. Những con số đó không thể được xác minh độc lập, nhưng rủi ro đối với dân thường rõ ràng vẫn rất cao.
Phụ nữ Palestine than khóc khi người thân thiệt mạng do không kích ở Khan Younis, Gaza ngày 22/10. Ảnh: NYT
Ngay cả khi Israel khuyến khích người dân ở Thành phố Gaza di chuyển về phía nam đến các khu vực an toàn hơn, nhiều người vẫn ở lại. Israel đã nhấn mạnh rằng họ không nhắm mục tiêu vào dân thường. Nhưng trong các trận chiến đô thị, người chỉ huy thường khai hỏa từ các công trình chứa cả chiến binh và các gia đình thường dân.
Tại Mosul, lực lượng Mỹ phải mất 252 ngày và 100.000 quân Iraq, với sự hỗ trợ trên không của Mỹ, để giải phóng thành phố khỏi tay IS. Theo Liên hợp quốc, có 10.000 thường dân, 8.200 binh sĩ Iraq thiệt mạng và ít nhất 13.000 tòa nhà không thể ở được.
Quân đội Israel, mặc dù được huấn luyện tốt hơn quân đội Iraq, với nhiều năm chuẩn bị kế hoạch và với các đơn vị kỹ thuật đặc biệt để xử lý những thách thức như đường hầm, nhưng sẽ phải đối mặt với một kẻ thù khó nhằn hơn.
Theo ước tính ban đầu của quân đội Mỹ, có khoảng 3.000 đến 5.000 chiến binh IS ở Mosul khi bắt đầu chiến dịch, và sau đó có thêm vài nghìn chiến binh nữa. Trong khi đó, cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Al Qassam, ước tính có quân số từ 30.000 đến 40.000, chưa bao gồm hàng nghìn chiến binh thuộc các nhóm khác như Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
Hầu hết các chiến binh IS đến từ các quốc gia khác. Còn các chiến binh Hamas lớn lên ở Gaza. Các đơn vị của họ được gắn kết với nhau bởi địa điểm, gia đình, đức tin và lòng căm thù chung với Israel.
Áp lực chính trị - dư luận
Các cuộc chiến tranh gần đây hiếm khi diễn ra nhanh chóng như mong đợi của cả hai bên: Mosul được tính toán phải được dọn sạch trong 3 tháng chứ không phải 9 tháng. Và khi số người chết tăng lên, nền kinh tế sụp đổ, sự hỗ trợ của quốc tế thường yếu đi.
Binh sĩ Israel chuẩn bị cho chiến dịch tấn công ở Be'eri, Israel vào 21/10. Ảnh: NYT
Nhưng Israel cũng có kinh nghiệm đối phó với thách thức chính trị và quân sự đi kèm với xung đột kéo dài. Chiến dịch trên bộ gần đây nhất của Israel vào Gaza vào năm 2014 chỉ kéo dài chưa đầy ba tuần. Như chuyên gia Spencer tại Viện Chiến tranh Hiện đại của Học viện quân sự West Point (Mỹ) gần đây đã chỉ ra, Israel “đã tham gia hầu hết mọi cuộc chiến trong lịch sử của mình trong cuộc chạy đua với thời gian, tìm cách đạt được mục tiêu trước khi áp lực quốc tế buộc họ phải ngừng hoạt động”.
Trong trường hợp hiện tại, các quan chức Israel đã cảnh báo rằng họ có thể sẽ phải giao tranh trong vài tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Điều đó có nghĩa là nhu cầu về vũ khí sẽ tăng đột biến và làm tăng thêm sự biến động toàn cầu. Các quan chức Mỹ lo ngại về khả năng chiến tranh lan sang Liban và Iran, cùng với các cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq. Những lo ngại đó có thể ảnh hưởng đến cách Washington hỗ trợ cho Israel khi xung đột phát triển.
Trong các cuộc chiến trước đây, công chúng Israel ủng hộ các hoạt động quân sự miễn là chúng cho thấy sự tiến bộ, với bằng chứng về các kho vũ khí bị phá hủy và các kết quả hữu hình khác.
Tuy nhiên, hiện nay các cuộc thăm dò cho thấy người Israel ít tin tưởng hơn vào chính phủ của họ dưới sự lãnh đạo gây chia rẽ của Netanyahu và sau thất bại của ông trong việc ngăn chặn cuộc tấn công gần đây. Định nghĩa về thành công lần này cũng rộng hơn và có thể khó đạt được hơn một phần vì Hamas đã phát triển mạnh mẽ hơn với sự giúp đỡ của Iran, tăng đáng kể kho dự trữ tên lửa và triển khai công nghệ mới như máy bay không người lái.
Hamas và Israel đã tham gia vào một cuộc tranh giành sự đồng cảm, gây ra các cuộc biểu tình giận dữ trên khắp thế giới và một lần nữa khiến Trung Đông trở thành điểm nóng gây lo lắng cho quốc tế.
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)