Niềm ân hận cũ

09/08/2024 - 08:29

Cha tôi mất vào những ngày mưa dầm tháng 8. Vậy mà, ngày đưa tang cha, trời lại hửng nắng. Ai cũng bảo ông trời thương cha nên mới hửng nắng đúng lúc. Còn riêng tôi, có một nỗi buồn và một niềm ân hận rất lớn bóp nghẹn trái tim.

Buồn, dĩ nhiên ai chẳng buồn đau khi người thân của mình ra đi. Nhưng ân hận thì không phải ai cũng bị giày vò. Niềm ân hận lớn nhất của tôi khi đó và cho tới tận bây giờ là bao nhiêu năm luôn hận cha, không quan tâm gần gũi cha khi cha đã già. Tôi luôn luôn nhớ tới ông với vẻ mặt cau có, gắt gỏng, với những trận đòn roi, với những lời mắng nhiếc mấy mẹ con tôi. Tôi đã từng hận cha tôi vì ông mải rượu chè, bỏ mặc mẹ phải một mình gồng gánh nuôi đàn con. Tôi đã rất hận cha khi ngày nào đi nhậu về cũng chửi bới, đánh đập mẹ… Do vậy, khi lớn lên, tôi chưa bao giờ gần gũi, nói chuyện với cha được hơn năm câu.

Lấy chồng xa, tôi ít khi về nhà, năm được một lần tết về quây quần tụ họp là mừng. Đôi lần cha ra chơi, giữa hai cha con là cả vực sâu ngăn cách. Tuy là con ruột nhưng lâu lâu tôi mới nói với cha dăm ba câu, hỏi cha ăn gì, cần gì thôi. Tiếp đón trò chuyện thân tình với cha lại là chồng tôi. Anh đưa ông đi chơi chỗ này, chỗ nọ, nhậu cùng ông, ngủ cùng ông. Tôi hay nói đùa với chồng anh mới là con ruột, còn tôi là con ghẻ. Chồng nhiều lần động viên tôi nên gần gũi cha nhiều hơn, người già còn sống bao lâu nữa đâu mà giận. Thế nhưng, vực sâu giữa hai cha con tôi quá lớn, tôi chẳng thể vượt qua được. Cứ mỗi lần thấy mặt cha, tôi lại nhớ đến những chuyện trong quá khứ, nhớ đến tiếng khóc xót xa của mẹ. Thế là dù đôi khi lòng rất muốn gần gũi, hỏi han nhưng lại không làm được.

Tính cha tôi cộc, lại bảo thủ, con cái đưa ra ý kiến nào cũng gạt phăng đi. Tôi tự nhận thấy bản thân mình cũng giống cha nét ấy, hay khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình mà không chịu tiếp thu ý kiến người khác. Bởi vậy, mỗi khi gia đình có việc, tôi chỉ im lặng không ý kiến gì, vì tôi biết dù có nói cũng chẳng thay đổi được gì, lại thêm cãi nhau. Trong suy nghĩ của tôi luôn bị ám ảnh bởi việc bị cha coi thường và luôn luôn tự thúc giục bản thân phải làm việc cật lực, đạt được kết quả tốt để cha phải công nhận. Oái ăm thay, dù tôi đạt được kết quả tốt chưa lần nào cha (và cả mẹ) khen tôi. Vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi sang nhà họ hàng mọi người lại khen tôi nhiều đến vậy. Thế là, tôi đâm ra không thích cha mẹ mình. Sau này, khi trưởng thành, tôi mới hiểu do cha mẹ giữ nếp tư duy cũ nên không còn chấp nhất những khi bị cha mẹ chỉ trích nữa.

Cũng vì tính thích tự lập nên tôi ít khi nhờ vả bên ngoại cũng như bên nội. Tự thân vận động, tự hai vợ chồng gầy dựng làm ăn, lo con cái. Vì vậy hai vợ chồng phải xoay đủ công việc, bận rộn suốt ngày. Công việc cứ cuốn tôi đi, cuộc sống cơm áo gạo tiền cứ đè nặng lên vai. Thành ra, tôi ít khi nhớ nhà, nhớ rằng mình còn có cha mẹ đang ngóng chờ. Tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần mình cần mẫn lao động, đến một ngày kinh tế dư dả sẽ báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ sau nên cứ lao vào làm việc.

Ai dè…

Thời gian thì chẳng chờ đợi ai bao giờ. Người già “như chuối chín cây” gió lay chẳng biết khi nào sẽ rụng. Ngày được tin cha bệnh ung thư giai đoạn cuối tôi sững sờ, ân hận. Tôi chạy vội vào bệnh viện chăm cha. Nhìn cha đau đớn trái tim tôi tan nát. Nỗi hận cha bay biến đi đâu mất thay vào đó là nỗi ân hận bản thân mình bất hiếu. Tôi biết rằng thời gian của cha chẳng còn nhiều nữa, nhưng lại chẳng thể làm gì để giúp cha được. Hàng đêm tôi lặng lẽ khóc, vừa thương cha vừa giận chính mình.

Từ khi cha mất, tôi ngộ ra nhiều điều trong cuộc sống, suy nghĩ thoáng hơn, cố gắng kiềm chế tính bảo thủ của mình. Tôi hiểu rằng có những điều mình khăng khăng là đúng nhưng rồi lại chưa chắc đúng. Vả lại, đúng hay sai trong cuộc sống này chẳng phải là điều quan trọng, mà điều quan trọng nhất chính là tình yêu thương.

Năm nay tháng 8 lại về, lại một mùa Vu Lan nữa. Sắp đến đám giỗ cha, nhìn mưa, lòng vẫn vẹn nguyên niềm ân hận cũ, nhớ cha, thương cha mà nay đâu thể nào gặp được nữa…

Theo Báo Bình Thuận