Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện An Phú
Đảm bảo “nhiệm vụ kép”
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”. Thực hiện “nhiệm vụ kép” đảm bảo an toàn bệnh viện trong giai đoạn “bình thường mới”; tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở... Chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch COVID-19 để tăng tốc chuyển đổi số trong ngành y tế. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng Tờ khai y tế điện tử, xây dựng và triển khai Sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám, chữa bệnh từ xa…
Đặc biệt, nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 và thuốc, trang thiết bị y tế. Cùng với đó, xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế vùng khó khăn, đề án về một số chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đẩy mạnh hoạt động Hội đồng Y khoa quốc gia, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế… Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương đã kế thừa nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong đợt dịch trước; đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vaccine, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp khác, với các trụ cột: Xét nghiệm, cách ly, điều trị và chuyển hướng thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu”, nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; thúc đẩy toàn diện hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”; thực hiện đồng bộ chương trình phòng, chống dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần phục hồi, thích ứng linh hoạt; đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại.
Kiểm soát dịch bệnh
An Giang triển khai 49 cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình “Tháp 3 tầng” với 7.294 giường; triển khai trạm y tế lưu động, tổ COVID-19 cộng đồng để theo dõi, điều trị tại nhà đối với trường hợp F0 nhẹ, không triệu chứng. Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để phòng, chống dịch. Tích cực vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị (máy tạo ô-xy, máy trợ thở…), vật tư y tế, kit xét nghiệm RT-PCR, test nhanh kháng nguyên… Đặc biệt, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế hỗ trợ nguồn nhân lực từ các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh (Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Trưng Vương); y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (TP. Hà Nội). Tỉnh cũng điều động nguồn nhân lực của các bệnh viện tuyến tỉnh đến hỗ trợ công tác điều trị, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm ở tuyến huyện. Về tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1 hơn 98,8%, mũi 2 đạt 97,7%, mũi 3 (tăng cường) 25,5%; đối với trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 2 đạt hơn 95,8%…
Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch COVID-19 trước tình hình biến chủng Omicron xuất hiện trong nước, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng. Tăng cường năng lực điều trị các tuyến, nhất là tuyến cơ sở; quản lý tốt F0 điều trị tại nhà. Tăng cường truyền thông, chú trọng thông điệp “5K”, nâng cao ý thức phòng, chống dịch ở mỗi người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong triển khai "Tổng đài 1022" tư vấn F0 điều trị tại nhà, khai báo y tế bằng mã QR, sổ sức khỏe điện tử… An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, doanh nghiệp cung cấp ô-xy y tế giúp tỉnh đảm bảo công tác điều trị COVID-19. Sớm có hướng dẫn mới về biên chế nhân sự trạm y tế xã, hỗ trợ để tỉnh đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở…
Năm 2022, ngành y tế tập trung phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống. Trước hết, trên hết là tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phục hồi nền kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý để tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng chất hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở… |
HỮU HUYNH