Nỗ lực dạy học trực tuyến

14/09/2021 - 07:21

 - Năm học mới bắt đầu với những buổi học đầu tiên rất đặc biệt, theo một cách khó khăn. Học online (trực tuyến) đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe thầy và trò. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì giáo viên gặp không ít bất cập khi thực hiện nhiệm vụ.

Một tiết học trực tuyến môn Hoạt động trải nghiệm

Theo chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các môn học với tiết dạy cụ thể đều phải tải lên website để học sinh theo dõi. Mỗi tiết học được chuẩn bị kỳ công theo trình tự: hàng tuần, tổ bộ môn lên lịch, phân công giáo viên phụ trách bài dạy. Giáo án sau khi được cả tổ đóng góp hoàn thiện, gửi về Phòng GD&ĐT để tiếp tục chọn duyệt. Những môn chính (Ngữ văn, Toán, Anh văn) được tăng cường thực hiện tiết dạy trên truyền hình, còn các môn học khác đều tải lên YouTube.

Từ đây, giáo viên chia sẻ đường link có chứa bài giảng của môn học mình phụ trách qua nhóm trên Zalo của trường, lớp. Những môn chuyên ở bậc tiểu học và THCS (như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục) cũng vậy. Tuy nhiên, theo giáo viên, tỷ lệ học sinh học không nhiều do quan niệm “môn học phụ”, chưa kể đến hiệu quả dạy 1 chiều, sẽ không có sự tương tác với học sinh như ở trên lớp. Các môn học trên đòi hỏi giáo viên phải theo sát, chỉ dẫn học sinh trực tiếp mới đúng kỹ thuật, thời gian thực hành nhiều hơn lý thuyết.

Theo cô Lê Thị Kim Ngân (giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học “C” Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), 1 tiết học trực tuyến mất nhiều thời gian và công sức hơn so với dạy trực tiếp trên lớp. Các bài giảng trên trang web của trường trong hệ thống giáo dục (có đuôi tên miền vnedu.vn) là sản phẩm do giáo viên tự quay video và tải lên cho học sinh tự học. Theo cách này, giáo viên khó nắm bắt được mức độ tiếp thu của học sinh.

Thấy được bất cập, ngành giáo dục đang triển khai chương trình tập huấn mang tên VNPT E-Learning. Trong đó, hướng dẫn thêm cách thức theo dõi học sinh học theo từng môn, lớp, khối một cách cụ thể theo thời gian của từng tiết học bên cạnh cách chèn thêm tài liệu, bài tập về nhà cho bài giảng (đã tải lên trang web trường theo từng môn của từng giáo viên phụ trách). Tuy nhiên, cách làm này còn mới, còn nhiều vấn đề và đợi thời gian chứng minh hiệu quả.

Dạy học trực tuyến trong thời gian này còn là thách thức với những giáo viên lớn tuổi, ít sử dụng công nghệ. Để tháo gỡ trở ngại, các trường học phân công giáo viên thành thạo nghiệp vụ dạy trực truyến hỗ trợ cho đồng nghiệp thiết kế bài giảng. Tinh thần chung là “khó khăn đến đâu thì nỗ lực giúp nhau gỡ khó đến đó”. Hẳn ai cũng sẽ cảm thông cho những giáo viên đứng tuổi, bao nhiêu năm quen với bảng đen, phấn trắng, nay phải lúng túng với cách dạy mới. Vất vả, nhưng họ không than phiền. Các thầy, cô kiên nhẫn nhờ con cháu, học trò hướng dẫn từ thao tác cơ bản đến việc tập nói trong phòng một mình suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Khi đã quen dần, thầy, cô lại nỗ lực học thêm, có nhiều cuộc trao đổi hơn để chỉ nhau cách dạy online thêm sáng tạo, thu hút, như: trình chiếu màn hình điện thoại lên máy tính, tổng hợp trò chơi khởi động lớp học, sử dụng phần mềm vẽ sơ đồ tư duy, tự tạo phim hoạt hình để tăng sự sinh động cho tiết học…

Vượt lên khó khăn, những nhà giáo tóc phai màu vẫn giữ trọn lòng yêu nghề, miệt mài bên bàn làm việc mỗi ngày để cầu tiến. Ngồi trước máy tính thao tác một cách chậm rãi và kiên nhẫn, cô Kim Trang (giáo viên trường THCS ở huyện Phú Tân) chia sẻ: “Lúc này, không gì hơn sự cố gắng. Đồng nghiệp làm được thì mình sẽ làm được. Phải học để theo kịp thời đại, giảm bớt sự nhàm chán cho học sinh và tương tác với các em tốt hơn nhằm đạt được mục tiêu bài dạy”.

Tuy nỗ lực hết mình, nhưng chỉ có sự cố gắng của giáo viên vẫn chưa đủ, trong khi việc dạy trực tuyến còn nhiều bất cập khác ở phía phụ huynh, học sinh và điều kiện phục vụ công tác dạy học. Đường truyền không ổn định, quá tải; học sinh chưa ý thức tự giác, hứng thú tiếp thu chưa cao… là những vấn đề đáng quan tâm trong mỗi giờ học. Nhiều phụ huynh đến nay vẫn chưa thể mua sách giáo khoa cho con do các cửa hàng đều khan hiếm, vận chuyển khó khăn, phải sử dụng bộ sách trực tuyến.

Ngành GD&ĐT đã có chủ trương tập huấn theo đợt cho giáo viên từng cấp học về dạy học trực tuyến trong thời gian tới. Chương trình hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn đang được khẩn trương triển khai để phần nào tháo gỡ những bất cập, khi dạy và học trực tuyến còn là giải pháp tối ưu trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 (đối với các cơ sở giáo dục đại học). Kho học liệu của Bộ GD&ĐT đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho 1 bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình tiếng Việt và tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại, Bộ GD&ĐT lên phương án tổng hợp nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.

MỸ HẠNH