Nỗ lực tìm đầu ra cho trái dưa hấu

01/07/2021 - 05:58

 - Xã Vĩnh Thành là địa phương có diện tích trồng dưa hấu tập trung nhiều của huyện Châu Thành (tỉnh An Giang), nhất là ở ấp Trung Thành. Diện tích mỗi vụ từ 20-30ha ruộng dưa, với khoảng 20 nông dân tham gia canh tác quanh năm, với đủ các chủng loại dưa, như: hắc mỹ nhân (trái dài), mặt trời đỏ (trái tròn, không hạt)… Tuy nhiên, thời gian qua, nông dân vẫn trồng dưa hấu theo phong trào, tự đoán định thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết bền vững.

Tham gia chuỗi liên kết

Dưa hấu có thời gian canh tác ngắn ngày, nên mỗi năm nông dân trồng dưa hấu ở xã Vĩnh Thành có thể sản xuất từ 4-5 vụ. Giá cả không cố định, dao động theo thời giá thị trường, thời điểm “hút hàng” giá dưa từ 6.000-7.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận ổn định, lúc “dội chợ” chỉ còn 2.500 đồng/kg, giá bán dưa thấp còn bị thương lái ép giá, xem như thua lỗ.

Chính vì vậy, địa phương đã và đang định hướng nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn để tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của xã, giúp nông dân nâng cao giá trị trái dưa hấu, cũng như có nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Vĩnh Thành đang nỗ lực kết nối với các công ty, doanh nghiệp ở địa phương để tìm đầu ra ổn định cho trái dưa hấu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp xã Vĩnh Thạnh Võ Văn Vũ cho biết, thời gian qua, với định hướng tham gia vào chương trình OCOP nên địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân theo hướng an toàn, hữu cơ. Chỉ có như vậy mới đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như nâng cao giá trị dưa hấu. “Nông dân trước giờ trồng dưa hấu theo “cảm tính”, nghe có giá thì trồng, đâu biết thời điểm cuối vụ thu hoạch sẽ như thế nào. Bởi vậy, nếu được liên kết với đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì bà con sẵn sàng tham gia” - ông Vũ cho hay.

Khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân trồng dưa hấu sẽ yên tâm về đầu ra sản phẩm

Trước đó, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đến tìm hiểu về diện tích, sản lượng dưa hấu ở địa phương và thương thảo liên kết đầu ra cùng với nông dân. Mới đây, HTX TM-DV-DL nông nghiệp An Giang đã đến làm việc về chuỗi liên kết cung ứng dưa hấu. “Giá cả sẽ được cố định từ đầu vụ, nông dân cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ để đưa nông sản vào hệ thống siêu thị… Nếu được như vậy, nông dân sẽ được hưởng lợi, nguồn thu nhập mang lại sẽ xứng đáng với công sức đã bỏ ra” - ông Vũ chia sẻ.

Canh tác hữu cơ

Với kinh nghiệm canh tác dưa hấu 15 năm, anh Trương Tấn Tài (ngụ ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành) đang có kế hoạch chuyển dần từ sản xuất truyền thống sang canh tác hữu cơ, góp phần tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cung ứng ra thị trường. Để chuyển đổi sản xuất thuận lợi, anh Tài đã tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật ở địa phương mở để học hỏi thêm kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, áp dụng hiệu quả trên ruộng dưa của gia đình.

Anh Tài cho biết, đất ở địa phương là đất sét đỏ, nông dân hay gọi là đất “mỡ gà”, nên độ tơi xốp của đất không nhiều. Bởi vậy, muốn chuyển sang hình thức canh tác hữu cơ, hạn chế các loại phân bón hóa học thì bắt buộc phải có thời gian cải tạo đất. Sử dụng các loại phân bón hữu cơ, như: phân bò, phân gà, phân rơm… cho đến sử dụng các chế phẩm sinh học trong một thời gian mới đem lại hiệu quả.

“Để tham gia chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra cho dưa hấu thì chính người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra được nông sản chất lượng, an toàn. Cái lợi khi ký hợp đồng liên kết là bà con biết được mức giá ngay từ đầu vụ, như vậy sẽ có kế hoạch chi tiêu, mua sắm vật tư sản xuất hợp lý nhất, không lo cuối vụ bị mất giá” - anh Tài giải thích.

Gần đây, với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, một số nông dân trồng dưa hấu ở xã Vĩnh Thành đã bắt đầu cho dưa hấu leo giàn trong nhà lưới, với giống dưa hấu không hạt. Trồng dưa hấu trên giàn, ngoài việc tốn công làm giàn, cũng như chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trồng thả lan theo kiểu truyền thống thì nông sản thu được chất lượng, năng suất cao hơn. Trái to tròn, mọng nước, ngọt thanh, da sáng, thời gian bảo quản được lâu, hầu như chi phí phân thuốc tốn rất ít… tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước khi bắt đầu canh tác, nông dân tìm các đầu mối liên kết tiêu thụ với mức giá từ 6.000-8.000 đồng/kg. Nhờ những hướng chuyển đổi này giúp nông dân tăng thu nhập, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, không lo mất giá cuối vụ.

ÁNH NGUYÊN