Nỗi lo đầu năm học

18/09/2020 - 05:10

 - Năm học 2020-2021 đã bắt đầu, tiếng trống trường điểm lên là lúc học sinh được tiếp cận với những chân trời kiến thức mới. Trong niềm hân hoan chào mừng năm học mới, phấn khởi gặp lại thầy cô, bạn bè, bồi hồi của những ngày đầu năm học ấy là không ít nỗi niềm, lo lắng của các bậc cha mẹ khi phải cân đối chi tiêu MUA sắm cho con đầu năm và các khoản chi phí phải đóng vào đầu năm học.

Năm học 2020-2021 là năm học bắt đầu với bao nỗi lo về tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, phải thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh phòng dịch khi đến lớp. Đây cũng là năm đầu triển khai việc dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới. Bên cạnh những nỗi lo chung ấy, còn có những nỗi lo riêng của các bậc phụ huynh khi chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho con em mình tới trường.

Và, gánh nặng chi phí đầu năm học có lẽ là nỗi quan tâm lớn nhất của nhiều phụ huynh. Bởi, đây không chỉ là nỗi lo của phụ huynh nghèo, gia đình đông con mà cả những gia đình công chức, viên chức lao động. Nhưng dù khó khăn thiếu thốn, nhiều gia đình vẫn cố gắng lo cho con em vui bước đến trường.

Ghi nhận tại một số cửa hàng chuyên bán dụng cụ, đồ dùng học sinh, dù đã nhập học nhưng thời điểm này vẫn còn nhiều bậc phụ huynh mua sắm bổ sung cho con. Đang tìm thêm vài quyển sách tham khảo các môn: Toán, Tập làm văn lớp 12 cho con, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngụ xã Bình Thạnh, Châu Thành) chia sẻ: “Trước đó, tôi đã đưa con đi mua sách giáo khoa, tập vở và các dụng cụ học tập cần thiết. Hôm nay chỉ mua bổ sung thêm một vài món cần thiết. Nhà có đến 2 con, đứa lớn lớp 12, đứa nhỏ lớp 7, chỉ khoản mua sắm đầu năm cho mấy đứa nhỏ cũng tốn khá nhiều tiền. Nhà thì làm rẫy, chạy chợ bán mùa trúng, mùa thất nên vợ chồng tôi phải dành dụm, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt nhiều lắm mới có thể kham được các khoản chi đầu năm cho con”. Giá đồ dùng học tập, sách giáo khoa tốn khá nhiều tiền cũng là mối lo của nhiều gia đình, đặc biệt gia đình công nhân lao động, nông dân nghèo, gia đình có nhiều con cùng đi học.

Gác lại những nỗi lo, nụ cười con khi đến trường là niềm vui của cha mẹ

Việc chuẩn bị cho con vào năm học mới có thể là chuyện bình thường đối với những gia đình có điều kiện. Nhưng đó lại là sự khó khăn, cần cân đo đong đếm, “thắt lưng buộc bụng” để cho con cái ăn học đối với những gia đình nghèo, khó khăn. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, việc tìm việc làm cũng khó. Thế nên, khoản mua sắm cho con vào đầu năm học với nhiều phụ huynh là vấn đề khá vất vả. Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Phú (ngụ Bình Hòa, Châu Thành) đều làm công nhân, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều khoản bị cắt giảm nên gom cả thu nhập 2 vợ chồng, phải chật vật lắm mới lo được 2 con đến trường.

“Con gái lớn vào lớp 8, con gái nhỏ bắt đầu vô lớp 1, bao nhiêu thứ phải chi vào đầu năm học, vợ chồng tôi nhiều lúc chật vật, khó khăn lắm. Nhưng thấy con đến trường học được bao điều hay thì có cực mấy chúng tôi cũng cố gắng lo cho các con. Còn về việc dạy và học theo chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, nói thật vợ chồng tôi có lo cũng chẳng biết gì. Thôi thì cứ để giáo viên dạy, thiết nghĩ người ta học được thì mình học được” - anh Phú nói.

Cùng nỗi lo chi phí đầu năm học, chị Nguyễn Thị X. (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết, con gái lớn của mình năm học này đã lớp 5, con trai nhỏ năm sau vào lớp 1, chuyện đồng phục, giày dép, tập vở đầu năm… cũng đủ khiến chị đau đầu. Song, bên cạnh nỗi lo vật chất, chị X. còn lo lắng chuyện học của con nhiều hơn.

Cho tôi xem thời khóa biểu của con gái học lớp 5, chị X. bộc bạch: “Thời khóa biểu từ thứ 2 đến thứ 6, có 2 buổi 6 tiết học, còn lại đều là 5 tiết hết, chưa kể những giờ học buổi chiều, tôi lo con học nhiều quá không có giờ nghỉ ngơi, thương lắm! Vì thế, mỗi khi hè là tôi không áp đặt, bắt buộc con phải học thêm môn này, môn kia. Tôi muốn có có những ngày hè đúng nghĩa. Có điều, sợ con quên bài thì tôi sẽ cùng con ôn bài rồi mua thêm sách giáo khoa, bài giải môn toán và tiếng Việt để dạy con thêm những khi rảnh rỗi mà thôi!”.

Hiểu được những nỗi lo ấy, đầu năm học nào cũng vậy, nhiều trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách giáo khoa, tiền và hiện vật hỗ trợ cho học sinh nghèo; lập danh sách miễn giảm học phí kịp thời cho các học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... góp phần chia sẻ nỗi lo toan của nhiều phụ huynh. Năm học mới lại bắt đầu, vượt qua những nỗi lo ấy, hy vọng phụ huynh sẽ là chỗ dựa, tiếp thêm niềm tin, động lực để con em phấn đấu học tập thật tốt.

PHƯƠNG LAN