Nỗi lo khủng hoảng y tế gia tăng giữa chiến sự tại Ukraine

01/03/2022 - 19:43

Ukraine đang chịu cảnh khan hiếm nguồn cung y tế quan trọng và buộc tạm ngưng các chiến dịch kiểm soát bệnh dịch giữa bối cảnh tình hình chiến sự ở quốc gia này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một em bé uống vaccine ngừa bại liệt tại một phòng khám ở Kiev, Ukraine, ngày 21/10/2015. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, nỗi lo về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng tại Ukraine đang ngày càng lớn khi người dân rời bỏ nhà cửa, các dịch vụ y tế bị gián đoạn và nguồn cung y tế không đến được Ukraine.

Ngày 28/2, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ông Tarik Jasarevic, cho biết, các nỗ lực tiêm chủng và kiểm soát bùng phát bại liệt ở Ukraine đã tạm thời bị gián đoạn vì giao tranh. WHO cũng nhận được nhiều báo cáo về các chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 đã ngưng lại ở nhiều vùng tại quốc gia này.

Tháng 10/2021, Ukraine ghi nhận ca mắc bại liệt đầu tiên tại châu Âu sau 5 năm. Bệnh nhân là một em bé 17 tháng. Đến tháng 1/2022, một trường hợp khác cũng đã được phát hiện. 19 em bé khác cũng đã được xác định mắc bệnh mặc dù không có triệu chứng.

Ứng phó trước thực trạng dịch bệnh có thể bùng phát, một chiến dịch tiêm chủng phòng bại liệt đã được triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/2, hướng tới 100.000 trẻ em chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, chiến dịch đó đang tạm thời dừng lại sau khi chiến sự nổ ra và giới chức y tế địa phương chuyển sự tập trung sang các trường hợp khẩn cấp.

WHO cho hay, tình trạng mất điện tại một số khu vực đã ảnh hưởng tới độ an toàn của các lô vaccine dự trữ cũng như công tác giám sát bị gián đoạn.

Không chỉ bệnh bại liệt, các bệnh nhân mắc HIV/AIDS cũng đang trong tâm trạng rối bời vì số lượng thuốc điều trị chỉ còn đủ dung trong vòng chưa đầy 1 tháng. 

Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Winnie Byanyima nhận định: “Thuốc kháng ARV cho những người nhiễm HIV ở Ukraine chỉ còn đủ lượng trong một vài tuần tới. Nếu không được uống thuốc liên tục, sức khỏe của những người này sẽ gặp rủi ro”.

Ukraine có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, đứng thứ 2 về số lượng các ca mắc tại châu Âu. Quốc gia này cũng có tỷ lệ mắc bệnh lao cao và tỷ lệ lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Hàng năm Ukraine ước tính ghi nhận thêm khoảng 30.000 ca lao mới.

Chính phủ Ukraine ngày 28/2 khẳng định, tất cả các phòng khám lao ở nước này vẫn mở cửa. Tuy nhiên, các bệnh nhân đã được kê thuốc trong 1 tháng điều trị ở nhà trong trường hợp hợp tình hình chiến sự trở nên căng thẳng hơn.

Các chuyên gia y tế nhận định việc gián đoạn trong chẩn đoán, điều trị có thể dẫn tới tình trạng lây lan rộng hơn cũng như gây rủi ro cho mạng sống bệnh nhân. “Rõ ràng chúng ta sẽ có thêm các ca mắc mới”, Viorel Soltan – đại diện tổ chức phòng lao Stop TB hoạt động ở Ukraine – dự đoán hệ thống y tế tại Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng chiến sự hiện nay.

COVID-19 vẫn là một mối đe dọa khi chỉ có 1/3 người dân nước này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trong tháng 2, Ukraine ghi nhận số ca mắc mỗi ngày chạm đỉnh, với 40.000 ca. 

Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 6. Ngày 28/2, phái đoàn đàm phán giữa Ukraine và Nga đã kết thúc cuộc đối thoại đầu tiên sau 5 giờ đồng hồ. Mặc dù chưa có kết quả nào đạt được khả quan như mong đợi song dư luận quốc tế coi đây là một tín hiệu đáng ghi nhận giữa hai bên nhằm hướng tới hòa bình.

Trước đó, sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ chỉ sử dụng vũ khí tấn công chính xác nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.

Theo BẢO HÀ (Báo Tin Tức)