Người lao động đều mong mỏi tiền thưởng Tết
Chị Lê Huỳnh Kim Hoa (quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) hàng ngày sang Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) làm công nhân may. Hơn 2 tháng nay, chị chứng kiến nhiều lao động từ tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh trở về quê. Họ thất nghiệp, không có việc làm do công ty ngưng hoạt động. Có người làm thuê việc đồng áng, nhưng tần suất không đáng kể, coi như “nghỉ xả hơi”, chờ qua Tết trông ngóng tình hình khả quan hơn.
“Tôi hiểu đây là khó khăn chung, có thể duy trì được công việc của mình là mừng lắm rồi. Hàng tháng, tôi cố gắng làm việc, cộng thêm tiền phụ cấp được hơn 6 triệu đồng, thắt chặt chi tiêu tối đa, chừa lại lo nhiều chi phí khác khi Tết đến. Dù nhiều hay ít, cũng phải lo tiền lì xì, về quê, lo cho hai bên nội - ngoại, sắm sửa cho con cháu. Truyền thông đưa tin có công ty thưởng đến cả tỷ đồng, có nơi chỉ vài trăm ngàn đồng, buồn vui từ đó mà ra. Tôi mong công ty thưởng chút đỉnh cho công nhân phấn khởi” - chị Hoa chia sẻ.
Tháng 12/2023, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang phối hợp các cơ quan liên quan đến thăm doanh nghiệp (DN). Thông qua đó, các đoàn công tác tranh thủ nắm tình hình sản xuất - kinh doanh ở công ty có đông công nhân lao động; tình hình trả lương, bảo hiểm, chăm lo Tết, nhất là thưởng Tết 2024.
Thực hiện mục tiêu “Tất cả NLĐ đều có Tết”, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, bên cạnh nỗ lực tìm đơn hàng duy trì sản xuất, các DN chuẩn bị để công nhân có Tết ấm áp, đủ đầy. Những tháng cuối năm, mỗi nơi có chính sách thưởng Tết riêng.
Ngành chức năng trao đổi với chủ sử dụng lao động và NLĐ để hài hòa cả đôi bên. Theo đó, DN cố gắng thưởng Tết trong khả năng, quan tâm lao động yếu thế, đang mắc bệnh hiểm nghèo, nuôi con nhỏ… Đồng thời, NLĐ cũng cần chia sẻ, cảm thông để cùng công ty vượt khó trong giai đoạn này.
Tại Khu công nghiệp Bình Hòa, Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre Việt Nam hiện giảm 10 chuyền may. Đơn vị cho biết, sẽ có chính sách thưởng tháng 13 (căn cứ số tháng làm việc thực tế). Công nhân làm việc từ 6 tháng trở lên được hỗ trợ thêm 600.000 đồng, dưới 6 tháng được hỗ trợ thêm 300.000 đồng.
Công ty chuẩn bị kế hoạch tổ chức tất niên cảm ơn cán bộ, công nhân viên, đồng thời chi 160 triệu đồng mua quà bốc thăm trúng thưởng. Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, công ty chuẩn bị sẵn quà đầu năm cho NLĐ đi làm việc ngày đầu tiên. Đó là thư chúc Tết của Chủ tịch Tập đoàn Spectre và tiền mặt 200.000 đồng.
Còn tại Công ty TNHH An Giang Samho, năm nay tình hình tốt hơn so năm trước. Ban Giám đốc Công ty cho biết, lương của công nhân thời gian qua được chi trả đầy đủ. Riêng tiền thưởng Tết, công ty có kế hoạch chi trước Tết Nguyên đán 50%, phần còn lại chi sau Tết. Ngoài ra, công ty phối hợp công đoàn tổ chức hội thao, văn nghệ “Tết sum vầy” cho công nhân liên hoan cuối năm trước khi trở về đoàn viên bên gia đình.
Tính đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh có 112 DN báo cáo dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cho NLĐ. Trong đó, mức thưởng Tết cao nhất 200 triệu đồng (DN khai thác và chế biến đá), cao hơn mức thưởng năm 2023 là 93,6 triệu đồng. Mức thưởng Tết thấp nhất là 200.000 đồng, thuộc về DN dân doanh và DN FDI (thuộc lĩnh vực chế biến dầu cá, dịch vụ vệ sĩ), cao hơn năm 2023 là 100.000 đồng.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly cho biết, tính bình quân, tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh là 7,709 triệu đồng (thấp hơn mức tiền thưởng bình quân năm 2023 là 7,753 triệu đồng). Tuy nhiên, so các tỉnh lân cận, thưởng Tết Nguyên đán của DN An Giang ở mức khá.
Trước đó, dịp Tết Dương lịch, 66 DN báo cáo thưởng cho 16.760 lao động, mức cao nhất 59,6 triệu đồng, thấp nhất 50.000 đồng. Ngoài tiền thưởng Tết, đơn vị cũng yêu cầu DN báo cáo tiền lương 2023. Thống kê so sánh từ 136 DN, tiền lương bình quân năm 2023 hơn 8,1 triệu đồng (cao hơn 394.000 đồng so năm trước).
Đầu năm 2024, các cơ quan chức năng tập trung theo dõi, giám sát trả lương, thưởng Tết và các khoản hỗ trợ NLĐ. Với nhóm NLĐ mất việc, có hoàn cảnh khó khăn, các cấp công đoàn phối hợp DN, vận động nguồn lực, nhà hảo tâm chăm lo.
Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động không bắt buộc thưởng Tết cho NLĐ. Tuy nhiên, sau 1 năm lao động vất vả, tâm lý chung của NLĐ đều trông ngóng khoản tiền này, để có thể lo cho gia đình đón Tết cổ truyền ấm cúng. Nghĩ cho cùng, thưởng Tết là nghĩa cử tình cảm, vì lợi ích bền vững của chính DN, để ghi nhận đóng góp và “giữ chân” NLĐ.
MỸ HẠNH