Mùa “đắt show” nhất năm
“Những năm gần đây, tôi có sở thích tìm thợ chụp ảnh nghệ thuật ngày Xuân cho mình. Dù vẫn có thể chụp bằng điện thoại nhưng thợ chụp vẫn đẹp hơn. Nếu chụp một người, bộ ảnh có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Chụp gia đình có giá 2,5 triệu đồng trở lên. Năm nay, tôi chưa sắp xếp được thời gian nhưng có thợ quen nên chỉ cần rảnh là sẽ lên lịch đi chụp hình” - chị Nguyễn Phương Linh (30 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chia sẻ.
Những tấm ảnh ngày Xuân do thợ chụp có chiều sâu, nghệ thuật hơn
Dạo quanh chợ hoa Xuân hay những sạp bán đồ trang trí Tết ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), không khó để bắt gặp hình ảnh nam thanh nữ tú bên tà áo dài thướt tha đang háo hức lưu lại kỷ niệm đẹp ngày Xuân.
Anh Châu Thanh Tâm (thợ chụp ảnh, ngụ TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Sau dịch COVID-19, mọi người thắt chặt chi tiêu hơn. Chụp ảnh nghệ thuật vì vậy cũng khá đìu hiu. Khoảng 2 tuần nay, khách đặt lịch hẹn tôi chụp hình tăng lên. Tuy nhiên, đa số là khách cũ, vì họ quen thợ nào thì sẽ tìm đến người đó. Tùy theo yêu cầu và giá trị của các gói chụp hình nên khách sẽ chọn thợ chụp ảnh phù hợp với điều kiện của mình”.
Cuộc sống luôn có sự thay đổi nhưng điều tuyệt vời nhất của một tấm ảnh là nó sẽ còn mãi với thời gian, thậm chí khi con người trong bức hình đó đã đổi thay. “Tôi thường chụp ảnh bộ vào mỗi dịp sinh nhật và Tết để ghi lại những mốc thời gian của cuộc đời. Để mỗi khi nhìn lại những tấm ảnh cũ, tôi như được trở về thời gian tươi đẹp đó một lần nữa” - chị Ngọc An (36 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới) bộc bạch.
Thách thức của nghề
“Chụp hình không anh ơi?”, “Chụp vài tấm để làm kỷ niệm đi em!”. Đó là những lời mời chân thành, liên tục của người thợ nhiếp ảnh ở những nơi có tiểu cảnh đẹp, thu hút nhiều người đến chụp ảnh. Vậy nhưng, đáp lại những lời mời ấy chỉ là những cái lắc đầu. Giữa dòng người tấp nập, những người thợ chụp ảnh đứng tuổi như lạc lõng hẳn.
Chú Thanh Sang (thợ chụp ảnh tự do, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Trước đây, mỗi mùa Giáng sinh và Tết, tôi thường đón khách chụp ảnh ở nhà thờ và chợ hoa Xuân. Lúc đó, người kiếm thợ chụp ảnh khá nhiều. Tôi bận từ sáng đến chiều tối vẫn chưa về nhà. Còn giờ, người chụp ảnh giảm rõ rệt. Đa số mọi người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Để có thêm thu nhập, tôi làm thêm nhiều việc”.
Một trong những thách thức lớn nhất mà nghề nhiếp ảnh dạo đang phải đối diện chính là sự cạnh tranh từ công nghệ. Smartphone ngày càng được nâng cấp với camera chụp hình chất lượng, giúp mọi người dễ dàng chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi. Thêm nữa, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cũng đa dạng và thông dụng, giúp người dùng tạo ra những bức ảnh đẹp, không mất quá nhiều thời gian và kỹ thuật cầu kỳ.
Khác với thợ chụp ảnh, để cho ra bức ảnh đẹp, ngoài chọn bối cảnh đẹp, góc chụp linh hoạt, am tường kỹ thuật chụp... người thợ phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa ảnh trên máy tính với chương trình riêng mới có thể hoàn chỉnh tấm ảnh đẹp. Vậy mới nói, những nhiếp ảnh như một nghệ sĩ lao động chân chính. Mỗi khoảnh khắc được chụp là một dấu ấn của sự tâm huyết.
“Do công nghệ ngày càng phát triển nên việc tạo ra 1 bức ảnh đẹp không cần phải qua nhiều công đoạn. Smartphone là thiết bị đa dụng và ảnh từ smartphone ngày càng tốt hơn. Việc “soán ngôi” máy ảnh, chắc sẽ là tương lai. Nhưng ở khía cạnh khác, chắc chắn smartphone không thể nào so sánh được với máy ảnh vì những giá trị nghệ thuật mà người thợ ảnh mang lại” - anh Thanh Tâm nhận định.
Cũng theo anh Tâm, địa điểm được giới trẻ ưa chuộng nhất vẫn là chợ hoa hay chợ Tết. Bởi, không cần trang trí nhiều, tự thân đã rực rỡ khi những mặt hàng Tết được trưng bày. Không nhiều lắm nhưng mỗi mùa Tết, anh Tâm cũng kiếm thêm một phần thu nhập từ việc chụp ảnh Xuân.
Niềm vui, niềm tự hào của nghề là những khoảnh khắc mỗi lần bấm máy, là dấu ấn được lưu giữ qua thời gian, là nhận được nụ cười hạnh phúc của người khác khi chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp, đó là động lực để người thợ ảnh theo nghề.
PHƯƠNG LAN