Nông dân Cần Đăng sản xuất - kinh doanh giỏi

16/08/2022 - 04:17

 - Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Hội Nông dân xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) triển khai thực hiện sâu rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cần Đăng Võ Thanh Phong cho biết, xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích, động viên cán bộ hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư vào SXKD vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Giai đoạn 2019-2022, toàn xã Cần Đăng có 2.497 lượt cá nhân và 5 tập thể giỏi 3 cấp (cấp tỉnh có 93 cá nhân, cấp huyện 638 cá nhân, cấp xã 1.766 cá nhân) và 5 tập thể giỏi cấp huyện, xã. “Nhiều nông dân trên địa bàn xã không những đẩy mạnh và ứng dụng thành công tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, xây dựng nông thôn mới”- ông Võ Thanh Phong chia sẻ.

Lãnh đạo huyện Châu Thành khảo sát mô hình nuôi ba ba

Hội Nông dân xã đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng nhiều góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Hiện, xã có hơn 91ha chuyển từ trồng lúa sang hoa màu, cây ăn trái. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng, như: Trồng bưởi và mít Thái của ông Nguyễn Thành Khải (ấp Vĩnh Hòa A), trồng tiêu và sầu riêng của ông Cao Thanh Hải (ấp Cần Thới)…

Thông qua phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều tấm gương, mô hình điển hình trong phát triển kinh tế được nhân rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi. Tiêu biểu, như: Mô hình dịch vụ nông nghiệp và trồng lúa giống của ông Phạm Tấn Diện (ngụ ấp Vĩnh Hòa A) mang lại lợi nhuận trên 2,3 tỷ đồng/năm; nuôi lươn sinh sản của ông Đỗ Tấn Lộc (ấp Vĩnh Hòa B) lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm; nuôi cấy và cung cấp phôi nấm đông trùng hạ thảo của ông Trương Hoàng Huy (ấp Cần Thới) và nhiều mô hình trồng màu trên địa bàn xã mang lại hiệu quả kinh tế trên 150 triệu đồng/năm…

Sản xuất lọp lươn

Ông Trương Hoàng Huy (ngụ ấp Cần Thới) cho biết, sau nhiều năm tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu để tạo ra thị thường sản phẩm đông trùng hạ thảo. Với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng những hệ thống cần thiết, như: Phòng nuôi, máy lạnh, máy phun sương, tủ điều khiển, máy hấp… Hiện, bên cạnh sản phẩm đông trùng hạ thảo thương phẩm, ông Huy còn nghiên cứu và cho ra các loại sản phẩm đông trùng hạ thảo khô… góp phần mang lại thu nhập khoảng 170 triệu đồng/năm.

“Giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn, do kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, trang thiết bị chưa đảm bảo, nhiệt độ nuôi cấy chưa hợp lý… nên sản phẩm đạt hiệu quả không cao. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, đầu tư máy móc để khắc phục những thiếu sót. Hiện, sản phẩm đang dần phát triển đáp ứng xu thế cạnh tranh của thị trường và nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh” - ông Huy chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cần Đăng Võ Thanh Phong nhấn mạnh, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới và tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tập trung chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Bên cạnh đó, phối hợp ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn; vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; duy trì và nhân rộng những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Cần Đăng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành Từ Thanh Khiết yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành của huyện kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp nông dân duy trì và phát triển các mô hình sản xuất ổn định, bền vững. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập…


TRUNG HIẾU