Số lượng nông dân giỏi tăng
Châu Lăng là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, chiếm khoảng 62,28% dân số toàn xã. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tập trung trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi được triển khai mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến việc SXKD của hội viên, nông dân. Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi lập gia đình năm 1999, ông Phan Văn Phú về sinh sống tại ấp Cây Me, làm dịch vụ bơm tưới. Sau 10 năm tích góp, tính cả đất gia đình và đất thuê, ông Phú sở hữu 12ha đất nông nghiệp. Ông Phú cho biết, trước đây việc canh tác lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, do thiếu kỹ thuật. Nhờ chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã hỗ trợ để ông tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, nên kỹ thuật canh tác ngày càng tăng lên.
“Hiện nay, từ việc canh tác lúa, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 1,8 tỷ đồng. Cộng thêm dịch vụ bơm nước khoảng 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lợi nhuận khoảng 1,3 tỷ đồng/năm” - ông Phú chia sẻ.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Phú còn tích cực vận động bà con ủng hộ tiền và ngày công lao động để làm lộ giao thông nông thôn, sửa cầu, cất nhà miễn phí cho hộ nghèo, ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân…
Nông dân xã Châu Lăng mạnh dạn sản xuất các loại cây - con mới và đã mang lại những tín hiệu khả quan
Cùng là nông dân giỏi của xã Châu Lăng, chị Huỳnh Thị Tuyết Hồng (ấp Rò Leng) đang thành công với mô hình nuôi ba ba. Chị Hồng cho biết, đây là nghề truyền thống của gia đình, nên chị quyết tâm theo đuổi. Thời gian đầu, do còn mới nên năng suất đạt thấp, gặp nhiều khó khăn.
Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật… chị Hồng tiếp cận nhiều kiến thức mới và mạnh dạn áp dụng vào mô hình. Từ đó, việc nuôi ba ba ngày càng ổn định, tạo thêm nguồn thu. Chỉ tính riêng việc nuôi ba ba đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Hồng khoảng 440 triệu đồng/năm.
Theo Hội Nông dân xã, phong trào nông dân SXKD giỏi được phát động sâu rộng đến từng chi, tổ hội và được nhiều hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng. Qua 2 năm tích cực phát động, đã có 680 nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi. Trong đó, cấp tỉnh có 140 nông dân, cấp huyện 285 nông dân.
Chuyển biến tích cực
Phong trào nông dân SXKD giỏi tác động tích cực đến đời sống của hội viên, nông dân; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Phong trào tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, hấp dẫn đối với hội viên, nông dân. Nhất là, từng bước góp phần thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất.
Phong trào tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông dân Châu Lăng mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi, với nhiều loại cây - con mang giá trị kinh tế cao.
Trong đó có thể kể đến, như: Lúa chất lượng cao, cây ăn trái theo hướng an toàn, đậu xanh, dưa leo, bí đao, rau dưa các loại... cùng với phát triển các ngành nghề chăn nuôi: Ba ba, bò, heo, gà...
Phong trào nông dân SXKD giỏi còn đóng góp quan trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp nhau giảm nghèo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn.
Trong 2 năm qua, nông dân trong xã vận động, đóng góp gần 400 triệu đồng, hàng ngàn ngày công lao động cùng với nguyên vật liệu để làm lộ nông thôn, tổng chiều dài 4,7km; lắp đèn đường nông thôn. Đồng thời, đóng góp làm đường, đổ đá bụi lộ giao thông liên ấp; cất nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa, nhà Chính sách; giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất, ốm đau...
Phát huy kết quả đạt được, Hội Nông dân xã Châu Lăng tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động hội viên, nông dân đổi mới tư duy sản xuất, tập quán canh tác; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào SXKD.
Đẩy mạnh công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật… Đồng thời, giới thiệu, nhân rộng mô hình làm ăn mới, hiệu quả và các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… Từ đó, tiến tới giảm số nông dân giỏi trồng lúa, tăng số nông dân giỏi các ngành nghề khác và đặc biệt quan tâm đến lực lượng nữ nông dân giỏi.
ĐỨC TOÀN