Nông dân Châu Phú “sản xuất chung”

26/07/2022 - 07:01

 - Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng “sản xuất chung”, Hội Nông dân và ngành nông nghiệp huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã vận động, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, chi hội sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Chi hội sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa được nâng chất từ Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa thành lập từ tháng 10/2018, với 23 thành viên. Đến nay, chi hội đã nâng lên 35 thành viên, diện tích 32ha trồng nhãn xuồng, năng suất bình quân 5 tấn/ha, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha.

ông Nguyễn Văn Thẳng (thành viên Chi hội sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi được tạo điều kiện học các lớp: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, kỹ thuật làm vườn và chăm sóc cây.

Ngoài ra, chi hội còn được hỗ trợ đăng ký logo, thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa và đánh giá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các thành viên chi hội quyết tâm nâng chất hoạt động của chi hội, thực hiện các hoạt động mang đến lợi ích chính đáng cho hội viên từ khâu trồng đến bán sản phẩm”.

Còn Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh thành lập từ tháng 4/2019, có 13 thành viên, với diện tích ban đầu 5,8ha. Qua 3 năm hoạt động, tổ hội đã tăng lên 29 thành viên, với 25,3ha diện tích trồng sầu riêng. Thời gian qua, các thành viên được hỗ trợ tiếp cận ứng dụng 5 mô hình công nghệ phun, tưới tự động, vay vốn và được tham gia các lớp dạy kỹ thuật trồng, thiết kế vườn chuyên cây sầu riêng.

Thấy hiệu quả thực tế từ diện tích trồng sầu riêng của các thành viên trong tổ hội, nhiều nông dân tại địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng, đến nay, xã Bình Chánh đã có hơn 70 hộ trồng sầu riêng, với diện tích trên 50ha. Nhận thấy nhu cầu liên kết tiêu thụ sản phẩm là cần thiết, nên các thành viên tổ hội trồng sầu riêng đã thống nhất ý kiến thành lập Hợp tác xã Phước Lộc Thạnh và đã thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận sản phẩm sầu riêng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Là một trong các chi hội được thành lập nhiều năm trên địa bàn huyện Châu Phú, qua 6 năm hoạt động, Chi hội nghề nghiệp làm vườn xã Khánh Hòa có 40 hộ nông dân tham gia, với diện tích 45ha, trồng chủ lực bưởi da xanh và cam xoàn.

Ông Võ Hữu Tăng, Chi hội trưởng Chi Hội nghề nghiệp làm vườn Khánh Hòa cho biết: “Bưởi da xanh và cam xoàn là loại cây khá phù hợp với thổ nhưỡng của xã, có thể cho thu hoạch thường xuyên và liên tục, năng suất bình quân từ 15-18 tấn/ha/năm. Các thành viên trong chi hội luôn hỗ trợ nhau sản xuất, mua bán sản phẩm, cùng trao đổi kinh nghiệm và định kỳ tổ chức sinh hoạt, thông tin về thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống, cách phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…”.

Cùng với lĩnh vực trồng trọt, Hội Nông dân và ngành nông nghiệp huyện Châu Phú còn quan tâm phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung. Theo đó, đã hỗ trợ các thành viên Chi hội nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Mỹ Tây trong việc tìm nguồn lươn giống và đầu ra cho sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, giới thiệu vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng diện tích chăn nuôi lươn thịt, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi.

Nhằm từng bước hướng đến mục tiêu tăng cường các hoạt động “sản xuất chung”, “mua chung”, “bán chung”, gia tăng sự đồng nhất về chất lượng nông sản, giá thành sản xuất, đáp ứng điều kiện về quy mô để phân phối vào các kênh tiêu thụ hàng hóa lớn trong cả nước, huyện Châu Phú quan tâm, xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng bảo vệ vườn cây ăn trái, cải tạo hệ thống trạm bơm điện kết hợp kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng diện tích và tập hợp nông dân vào các chi, tổ hội để phát triển sản xuất.

Đặc biệt, các phòng, ban chuyên môn của huyện Châu Phú còn chú trọng hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thiện các sản phẩm có tiềm năng đạt tiêu chuẩn tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí, như: Đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu, khuyến khích cải tiến mẫu mã, bao bì và hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất - kinh doanh các sản phẩm OCOP.

MỸ LINH

 

Liên kết hữu ích