Nông dân Châu Phú tham gia sản xuất lúa chất lượng cao

27/09/2024 - 07:20

 - Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đang tích cực hỗ trợ nông dân tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao). Sau thời gian triển khai, đề án đang được nông dân hưởng ứng với kết quả tích cực ban đầu.

Nông dân Châu Phú tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Những ngày này, anh Phạm Văn Lộc (nông dân xã Thạnh Mỹ Tây) ung dung đi thăm đồng sau khoảng thời gian lo lắng hồi đầu vụ thu đông 2024. Là nông dân có tư duy tiến bộ, anh Lộc tích cực tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao do ngành nông nghiệp Châu Phú triển khai. Với nhiệt tình có sẵn, anh vận động thêm 15 nông dân cùng tham gia mô hình xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng hướng tới thực hiện tốt đề án, với tổng diện tích thực hiện tại ấp Mỹ Bình (xã Thạnh Mỹ Tây) 50ha.

“Thời điểm đi vận động bà con tham gia đề án rất vất vả. Trước hết, đây là vụ thu đông với thời tiết mưa nhiều, hạt lúa giống gieo xuống khó phát triển. Thứ hai, chuyện sạ lúa giống với mật độ 8kg/công ít nhiều khiến nông dân hoang mang, bởi họ sợ lúa lên ít, khi thu hoạch năng suất không đạt. Lúc đó, tôi phải cố gắng tới lui vận động, giải thích nhiều lần cho bà con hiểu để tham gia. Sau thời gian lo lắng, những nông dân tham gia mô hình đang phấn khởi, bởi lúa canh tác theo phương pháp mới không thua kém so với gieo sạ kiểu truyền thống” - anh Lộc cho hay.

Không chỉ cây lúa đều, đẹp mà còn thu được những lợi ích thực tế khi tham gia canh tác theo các yêu cầu của đề án. Cụ thể, tính đến thời điểm lúa gần 40 ngày tuổi, đã giảm được 1 cữ sạ phân và chưa phun xịt loại thuốc bảo vệ thực vật nào xuống ruộng. So với ruộng canh tác truyền thống, sẽ phải mất 3 cữ sạ phân, vài cử phun thuốc trị sâu rầy, bệnh hại cho lúa. “Là người làm trực tiếp, tôi có thể khẳng định cách làm này thực sự có hiệu quả, dù cây lúa chưa đến ngày thu hoạch. Bởi lẽ, chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tiết kiệm trông thấy. Phần chi phí này thực sự không nhỏ với diện tích canh tác 8ha của tôi hiện nay. Nếu tính đến cuối vụ, tôi có thể tiết kiệm nhiều chi phí hơn” - anh Lộc khẳng định.

Cùng tham gia đề án với anh Lộc, anh Âu Văn Nhịn (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây) cũng mở cờ trong bụng, bởi những hiệu quả rõ rệt mà Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao mang lại. “Khi tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ lúa… Trong đó, việc được bao tiêu đầu ra là yêu cầu quan trọng nhất đối với nông dân. Ngoài ra, việc xử lý rơm bằng chế phẩm sinh học mà không đốt như truyền thống cũng mang lại nhiều lợi ích”.

Là người tích cực vận động nông dân tham gia đề án, anh Võ Văn Nguyên (Khuyến nông viên xã Thạnh Mỹ Tây) phân tích, khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học trong giai đoạn làm đất, rơm sẽ nhanh mục và trở thành phân hữu cơ. Cây lúa giai đoạn hơn 30 ngày tuổi có thể sử dụng nguồn phân này. Nếu tiếp tục thực hiện cách làm này những vụ tiếp theo, lượng phân hữu cơ trong đất sẽ càng tăng lên. Bởi lẽ, 1 tấn lúa sẽ cho ra 1 tấn rơm, khi xử lý sẽ có 1 tấn phân hữu cơ trả lại cho đất. Hơn nữa, việc không đốt rơm sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện các yêu cầu của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Nói về mục tiêu của ngành nông nghiệp Châu Phú khi triển khai đề án, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng thông tin: “Huyện Châu Phú sẽ triển khai thực hiện đề án trong 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 7.388ha, tập trung ở các xã, thị trấn đã tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) và nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Giai đoạn 2026 - 2030, sẽ rà soát các diện tích đã thực hiện đủ tiêu chí để mở rộng lên 22.983ha”.

Ông Huỳnh Tấn Hưng thông tin thêm, trong giai đoạn 2026 - 2030, nông dân tham gia đề án phải giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững, như: “1 phải, 5 giảm”, SRP, tưới ướt - khô xen kẽ, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng…

Cùng với đó, sẽ có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; hơn 11.494 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng, được chế biến tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống…

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh vận động nông dân mạnh dạn tham gia đề án. Các ngành, địa phương cần bám sát quá quá trình thực hiện để tham mưu UBND huyện về diện tích các vùng thực hiện hiệu quả, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, danh sách nông dân tham gia đề án nhằm đảm bảo hiệu quả. Tiếp tục khảo sát lại hệ thống kênh, mương, đường giao thông nội đồng nhằm phục vụ tốt đề án. Đặc biệt, cần vận động doanh nghiệp tham gia bao tiêu đầu ra, đảm bảo hiệu quả thực tế cho Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng xác định.                                                                                                            

THANH TIẾN