Ngành nông nghiệp huyện An Phú tiếp tục mở rộng diện tích tham gia Đề án trong những vụ sản xuất tiếp theo
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú Phùng Thế Vinh, địa phương thực hiện mô hình “1 phải - 5 giảm gắn với công nghệ sinh thái để nhân rộng diện tích thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” tại Hợp tác xã Hà Bao 1 (thị trấn Đa Phước), diện tích 50ha.
Các thành viên tham gia mô hình áp dụng các biện pháp: Giảm giống gieo sạ, mật độ 80 - 100kg/ha; theo dõi tưới ngập khô xen kẽ; thu gom rơm rạ khỏi ruộng hoặc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh… Đồng thời, áp dụng quy trình sản xuất lúa “1 phải - 6 giảm”, kết hợp trồng hoa sinh thái, sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
Là nông dân tham gia thực hiện mô hình, ông Nguyễn Văn Khang cho hay: “Qua quá trình thực hiện, tôi nhận thấy việc áp dụng quy trình sản xuất lúa theo đề án đảm bảo hiệu quả sản xuất. Cụ thể, ruộng của tôi có năng suất lúa dao động từ 6 - 7 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng trung bình 500 kg/ha. Đặc biệt, lợi nhuận trung bình hơn 24,4 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 8,6 triệu đồng/ha, nhờ giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng cơ giới hóa, bón phân cân đối”.
Ông Nguyễn Văn Khang khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp canh tác theo quy trình kỹ thuật của đề án ở những vụ lúa sau, bởi lợi nhuận khả quan cũng như bảo vệ sức khỏe nông dân, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ông vận động nông dân khác tham gia để cùng gia tăng lợi nhuận từ cây lúa.
Có mặt tại hội thảo tổng kết mô hình, ông Trần Văn Hết (ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú) khá “ưng bụng” kết quả từ ruộng trình diễn. Ông Hết chia sẻ: “Tôi có nghe nói về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nhưng chưa tận mắt chứng kiến. Nay được đến thăm ruộng trình diễn, trong bụng vừa ý lắm! Nếu được hỗ trợ, tôi sẽ đăng ký tham gia. Giá lúa hiện nay cứ trồi sụt theo thị trường, nông dân phải tính đến việc tăng lợi nhuận bằng cách giảm vốn đầu tư. Hơn nữa, trồng lúa bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ bản thân và con cháu sau này”.
Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân các biện pháp kỹ thuật, Phòng NN&PTNT huyện An Phú đang tích cực kết nối doanh nghiệp liên kết bao tiêu lúa sản xuất theo đề án, nhằm giải quyết bài toán đầu ra. Ông Nguyễn Minh Bữu (Công ty TNHH giống cây trồng Phú Hưng) thông tin: “Nếu nông dân thực hiện tốt biện pháp canh tác theo đề án, chúng tôi sẽ liên kết bao tiêu sản phẩm cho họ với mức giá cao hơn thị trường. Cụ thể, mua cao hơn giá trị trường 600 đồng/kg đối với lúa sạ hàng, 1.200 đồng/kg đối với lúa cấy. Tính ra, nếu bà con canh tác đạt 7 tấn/ha thì mức lợi nhuận khi liên kết với chúng tôi sẽ dao động trong khoảng 16 -18 triệu/ha”.
Ông Nguyễn Minh Bữu cũng mong muốn nông dân tích cực liên kết với công ty trong thời gian tới. Hiện nay, diện tích tham gia liên kết với công ty trong vụ thu đông 2024 là 10ha, cần mở rộng thêm trong những vụ sau. Ông Bữu đề xuất ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp bao tiêu lúa, vì lợi ích đến từ 2 phía. Nếu không chủ động đầu ra thì hiệu quả của đề án sẽ không như kỳ vọng.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng khẳng định, mô hình thực sự mang lại hiệu quả trong việc đảm bảo năng suất, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, yêu cầu ngành nông nghiệp huyện tiếp tục nhân rộng diện tích thực hiện đề án trong thời gian tới.
“Chúng tôi yêu cầu các ngành, địa phương của huyện An Phú tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả đề án, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cụ thể, giao Phòng NN&PTNT huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trong vụ đông xuân 2024 - 2025 và các vụ tiếp theo. Các xã, thị trấn cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia đề án song song với việc củng cố, phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời, cần rà soát, đề xuất công trình, hạng mục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng của các tiểu vùng tham gia đề án, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân” - bà Nguyễn Thị Phướng xác định.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền đề nghị ngành nông nghiệp huyện An Phú tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 145/QĐ-TT-CLT của Cục Trồng trọt về hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đề án trong năm 2025 trên địa bàn huyện, trên cơ sở vận động nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tích cực tham gia những năm tới. |
THANH TIẾN