Nông dân giỏi ở huyện miền núi Tri Tôn

03/09/2020 - 06:39

Mặc dù còn những khó khăn nhất định về điều kiện kinh tế-xã hội (KTXH) nhưng phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi trong nông dân Tri Tôn (An Giang) phát triển khá mạnh. Ngoài đóng góp làm giàu cho bản thân, gia đình, tạo thêm việc làm tại chỗ, những nông dân giỏi còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hưởng ứng tích cực

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được xem là khâu đột phá về phương thức hoạt động của Hội Nông dân, ngày càng hấp dẫn hội viên nông dân. Thực tế cho thấy, phong trào vừa là nơi hội tụ các nguồn lực, vừa là nơi phát huy nguồn lực. Thông qua phong trào, tiềm năng đất đai, lao động của kinh tế hộ được khai thác tốt, thế mạnh của địa phương được phát huy, các nguồn lực đầu tư của nhà nước được sử dụng có hiệu quả, cơ cấu ngành nghề được thực hiện đồng bộ, chủng loại hàng hóa ngày càng phong phú, giá trị kinh tế nông nghiệp được nâng lên… “Phong trào có sự phát triển cả về số lượng và nâng cao về chất lượng. Giai đoạn 2015-2020, qua phát động phong trào đã có 19.234 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp” - ông Mì thông tin.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Tri Tôn thăm mô hình ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là diễn đàn lớn để nông dân có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Đặc biệt, có những nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân với doanh thu từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần phát triển KTXH ở từng địa phương. “Điều quan trọng là nông dân đã tiếp cận ngày càng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, nhiều mô hình SXKD có hiệu quả được nhân rộng. Kết quả phong trào đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn” - ông Mì khẳng định.

Hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân huyện Tri Tôn đã mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm và đưa vào SXKD các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn như: lúa DS1, lúa Nhật, chuối cấy mô, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng nhãn Ido, mô hình trồng cây dược liệu, rau dưa các loại... Các hộ nông dân cũng phát triển nhiều ngành nghề chăn nuôi như: chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học gắn với vườn tạp; chăn nuôi heo theo lối công nghiệp; nuôi gà theo quy mô trang trại...

Đóng góp xây dựng nông thôn mới

Ông Trần Văn Mì cho biết, những năm qua, bên cạnh đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, lực lượng nông dân giỏi trong huyện còn tích cực tham gia các phong trào xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: đóng góp làm cầu, đường, cất nhà Tình thương, Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà chính sách, mua xe chuyển bệnh, đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường liên ấp, đường ra cánh đồng, giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất, ốm đau…

“Giai đoạn 2015-2020, nông dân Tri Tôn đã đóng góp gần 7,3 tỷ đồng, gần 7.000 ngày công lao động để cất mới 19 cây và sửa chữa 10 cây cầu nông thôn, nâng cấp và sửa chữa 47,25km đường giao thông nông thôn, nạo vét 30km kênh, mương nội đồng để phục vụ sản xuất...” - ông Mì chia sẻ.

Đối với Hội Nông dân cơ sở, thường xuyên duy trì và xây dựng mới các điểm sáng biên giới, vận động nông dân khai thác thế mạnh trong SXKD, dịch vụ nông sản để cung cấp, buôn bán qua biên giới. Nông dân còn tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng, chống buôn lậu qua biên giới và tệ nạn xã hội, đồng thời tích cực tham gia xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Theo ông Mì, thông qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, Hội Nông dân huyện Tri Tôn và Hội Nông dân các xã, thị trấn đã vận động cán bộ, hội viên nông dân sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, phát triển sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường, hình thành các vùng nguyên liệu trong thực hiện “Cánh đồng lớn”. Hội Nông dân các cấp còn tăng cường vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân khai thác tiềm năng, hiệu quả sử dụng đất; mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động... “Từ đó, đã tác động trực tiếp đến quá trình phát triển KTXH nông thôn, làm xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác SXKD có hiệu quả; số hộ nông dân SXKD giỏi ngày càng tăng” - ông Mì nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN