Nông thôn mới trên quê hương An Bình

13/09/2018 - 07:53

 - Về xã An Bình (Thoại Sơn) những ngày này, ai cũng cảm nhận rõ những đổi thay trong “màu áo” nông thôn mới (NTM). Từ cán bộ, đảng viên đến người dân, tất cả đều hăng hái thi đua lao động sản xuất, lập thành tích chào mừng sự kiện quan trọng của địa phương khi được công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2018.

Đổi thay trên xã nông thôn mới An Bình

Xã nghèo xây dựng nông thôn mới

Là xã nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nghề nông, cây lúa là cây trồng chủ lực của địa phương. Trước khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Với xuất phát điểm khá thấp (khoảng 5 tiêu chí), xã An Bình xác định xây dựng NTM là hành trình vinh quang nhưng còn lắm thử thách. Con đường đó, không dành riêng cho bất cứ ai, mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự đồng lòng, nhất trí cao của từng cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp Nhân dân. Lấy khó khăn thành động lực, cụ thể hóa mọi đường lối, chủ trương thành hành động thiết thực đã giúp An Bình vững bước xây dựng NTM. An Bình hôm nay đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu, kết cấu hạ tầng, cầu đường giao thông NT từng bước được xây dựng và nâng chất, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Phước Ân chia sẻ: “Trước những khó khăn ban đầu, chúng tôi xác định đây là “thách thức” không nhỏ với địa phương khi xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố hàng đầu góp phần tạo nên thành công của NTM. Năm 2018, xã tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 27 đầu công việc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM, tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng ra dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Chính việc phát huy dân chủ trong Nhân dân mà những chủ trương, chính sách đề ra, được bà con đồng thuận.Ngoài ra, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã giúp khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai cũng như biểu dương gương người tốt, việc tốt nhằm tìm “tiếng nói chung” trong xây dựng NTM”, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê nghèo”.

“Điểm sáng” nổi bật

Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân lúc nào cũng được địa phương đặt lên hàng đầu.Mới đây, An Bình đã ra mắt Tổ hỗ trợ thủ tục hành chính (TTHC) và nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. “Trước đây, người dân đến giải quyết TTHC, nhưng rất nhiều người không biết cách ghi thông tin vào biểu mẫu, chưa kể trường hợp những cụ già tay yếu, mắt mờ... Vì lẽ đó, chúng tôi đã quyết định thành lập Tổ hỗ trợ TTHC gồm 8 thành viên, để người dân có địa chỉ cụ thể khi liên hệ hỗ trợ những TTHC. Từ khi thành lập đến nay, bà con rất đồng tình và phấn khởi.Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì, phát huy và nâng chất để tổ hoạt động ngày một tốt hơn” - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Phước Ân cho hay.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, xã An Bình đã chuyển 25ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu; 17ha sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: xoài, chanh, thanh long, bưởi. Nhằm tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, từ năm 2016, địa phương đã vận động nông dân (ND) tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), với diện tích 780ha, với 400 hộ tham gia. Hiện, có đến 90% diện tích gieo trồng lúa của xã tham gia sản xuất theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, 50% diện tích lúa sản xuất theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, từ đó cải thiện thu nhập của bà con ND. “Năm 2016, tôi tham gia 12ha vào “Cánh đồng lớn” của Hợp tác xã nông nghiệp An Bình.Năm 2018, “Cánh đồng lớn” của xã có diện tích 80ha.Khi tham gia, ND được tập huấn đầy đủ những kiến thức gieo trồng đúng kỹ thuật. Sau nhiều năm, áp dụng sạ thưa, tôi tiết kiệm rất nhiều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cây lúa ít bệnh hơn, lợi nhuận tăng từ 20 - 30%” - anh Trịnh Công Minh (ngụ ấp Sơn Hiệp, xã An Bình) cho biết.

Nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, An Bình đã có nhiều mô hình, giải pháp thiết thực nhằm cải thiện đời sống bà con. Đó là tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực mở rộng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp; phát động phong trào ND thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi; quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách… Qua 7 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, từ 20 triệu đồng/người/năm 2010 đã tăng hơn 46 triệu đồng/người/năm 2018. Có thể khẳng định, An Bình đã từng bước giải quyết tốt vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM là không ngừng nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân. Người dân dần ý thức vai trò, trách nhiệm của mình nên tham gia, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng tích cực. Với tổng kinh phí xây dựng NTM trên 162 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp hơn 38 tỷ đồng. Đây là động lực và là niềm tin để An Bình phấn đấu duy trì, nâng chất NTM trong thời gian tới.

PHƯƠNG LAN