Nông thôn mới trên vùng đất Lương Phi anh hùng

25/04/2019 - 07:47

 - Từ nguồn thu nhập chỉ 24,88 triệu đồng/người (năm 2011), đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Lương Phi (Tri Tôn) đạt 41,362 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo từ 10,14% giảm còn 2,8%. Việc phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) là nỗ lực rất lớn của xã Lương Phi - vùng đất gắn bó với truyền thống cách mạng hào hùng nhưng xuất phát điểm rất khó khăn.

Phân công rõ trách nhiệm

“Từ khi được tỉnh chọn là một trong những xã điểm của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương Phi xác định đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm phải quyết tâm đạt được. Các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng NTM được triển khai kịp thời từ trong nội bộ Đảng ra đến tận quần chúng nhân dân, tạo ý thức và sự đồng thuận cao trong nhân dân với vai trò là chủ thể cùng với Đảng bộ, chính quyền chung tay xây dựng NTM” - Chủ tịch UBND xã Lương Phi Phạm Minh Hải thông tin.

Là một xã vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, diện tích tự nhiên 4.115ha, Lương Phi từng được biết đến là vùng đất hào hùng của cách mạng, nơi có di tích lịch sử Ô Tà Sóc (căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ), nơi ra đời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đầu tiên của tỉnh. Tuy nhiên, sau chiến tranh, địa phương có 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer này gặp nhiều khó khăn. Ông Hải cho biết, kinh tế của địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp (trên 95%). Do canh tác nhỏ lẻ còn phổ biến, phương tiện thủ công, thô sơ nên quá trình vận động tham gia các mô hình hợp tác sản xuất, huy động nguồn vốn đóng góp trong dân không dễ dàng. Trong hoàn cảnh đó, từng thành viên Ban Quản lý xây dựng NTM xã Lương Phi đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình thực hiện. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh nông thôn theo NTM, huy động các nguồn lực, tham gia giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hội Nông dân xã vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hội Phụ nữ phát động mô hình “5 không, 3 sạch”. Hội Cựu chiến binh phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính “Bộ đội cụ Hồ”. Đoàn Thanh niên xã xung kích trong thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, thực hiện mô hình “hàng rào, cây xanh”. Hội Khuyến học thực hiện cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, khuyến khích con cháu thực hiện tốt công cuộc xây dựng NTM...

Nông thôn mới trên vùng đất Lương Phi anh hùng

Kết quả nổi bật

Với đặc thù là một xã nông nghiệp, Lương Phi tập trung “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ông Hải cho biết, xã đang đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: mô hình trồng cây dược liệu, trồng nấm bào ngư, mô hình làm vườn... Năm 2013, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã đầu tư tại xã nhà máy sơ chế cây dược liệu (rau tần dày lá). “Sau 6 năm đi vào hoạt động và phát triển sản xuất, đa phần được bà con nông dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay, công ty đang khuyến khích nhân rộng mô hình trồng nhiều loại cây dược liệu có giá trị khác trên địa bàn xã” - ông Hải phấn khởi.

Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, Lương Phi đã phát triển được 7 lò nấu đường thốt nốt. Cùng với đó là 18 cơ sở uốn tầm vông, 8 cơ sở hàn tiện, thu hút hàng trăm lao động tham gia. Đến nay, cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế trên địa bàn được đầu tư khang trang, chợ trung tâm xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu trao đổi, mua bán của người dân đạt tiêu chí NTM. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Lương Phi 41,362 triệu đồng, tăng 24,88 triệu đồng so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,8% (giảm 7,14% so). “Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, điều kiện đi lại, tỷ lệ hộ sử dụng điện, sử dụng nước sạch, có nhà tiêu hợp vệ sinh, được thu gom rác, khám và điều trị bệnh... ngày càng tốt hơn. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, cảnh quan nông thôn khởi sắc. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tác động tích cực đến nếp sống, sinh hoạt, xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Mỗi ấp đều có điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao. Mọi người dân đều được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ hiểu biết, nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu cuộc sống” - ông Hải nhấn mạnh.

Tính đến quý I-2019, xã Lương Phi đã thực hiện đạt 17/19 tiêu chí, 46/49 chỉ tiêu xây dựng NTM. Ông Hải cho biết, hiện nay, địa phương đang tập trung vào 3 chỉ tiêu chưa đạt gồm: chỉ tiêu 17.3 (xây dựng cảnh quan môi trường sạch - đẹp - an toàn); chỉ tiêu 17.5 (chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom và xử lý theo quy định) và chỉ tiêu 19.2 (an ninh trật tự xã hội được giữ vững). “Địa phương đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để được công nhận xã NTM trong tháng 6-2019”- Chủ tịch UBND xã Lương Phi Phạm Minh Hải khẳng định.

Đến nay, xã Lương Phi đã huy động hơn 155,5 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, ngân sách Trung ương chiếm 11,5%, ngân sách địa phương chiếm 55,95%, nhân dân đóng góp 12,74%, vốn huy động khác 19,82%.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN