Nuôi dưỡng lòng tự hào về Bác Tôn

20/08/2024 - 06:32

 - Có dịp về An Giang, hãy đến Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu, viếng đền thờ, xem những kỷ vật, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.

Từ năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ, trong ngục tù, cho đến những ngày giữ cương vị cao, quan trọng trong Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn giữ nguyên phong cách sống bình dị, không màng vật chất, tràn đầy tình yêu thương anh em, đồng bào, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vẫn không thay đổi hình ảnh và lối sống vì dân, vì nước.

Du khách nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn

Phong cách bình dị được thể hiện rõ qua những vật dụng sinh thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sử dụng. Hiện nay, tất cả vẫn được giữ gìn cẩn thận ở Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Điển hình như, nhân dịp sang Liên Xô nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin năm 1955, được tặng 10.000 rúp, Bác Tôn chỉ dùng một phần nhỏ để mua chiếc cối xay tiêu tặng Bác Tôn gái (Đoàn Thị Giàu).

Hay chiếc đồng hồ để bàn do nhân viên sứ quán Việt Nam tại Moscow (Liên Xô) tặng Bác trong chuyến đi thăm các nước CNXH năm 1957; đôi giày do bộ đội Trung đoàn bảo vệ 66 tặng năm 1946, Bác dùng để tập thể dục cho đến cuối đời. Chiếc quạt do Nhà nước trang bị trong phòng làm việc tại nhà riêng; chiếc đồng hồ đeo tay Bác Tôn sử dụng từ năm 1954 - 1980. Nón và áo tơi Bác Tôn sử dụng trong thời gian hoạt động tại Việt Bắc. Xe đạp Bác sử dụng tập thể dục và đi làm. Va-li Bác đựng đồ cá nhân đi công tác trong và ngoài nước. Bộ đồ bộ đội tặng Bác sử dụng đi dạo mát, tập thể dục. Còn có bộ đồ nghề sửa xe, Bác tự sửa chữa, lau chùi chiếc xe đạp thường dùng vào ngày nghỉ, sửa chữa đồ dùng trong gia đình, tự sửa chiếc radio bị hỏng…

Hiện nay, khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành địa điểm thân thuộc không chỉ với tất cả người dân quê hương An Giang, mà còn đối với du khách trong và ngoài nước.

Đến đây, chúng ta được tham quan cảnh đẹp yên bình của cù lao sông nước; được tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Bác Tôn. Qua đó, càng thêm kính trọng, biết ơn sâu sắc, quyết tâm học tập, làm theo Bác Tôn, một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Những kỷ vật của Bác Tôn

Tham quan Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chị Lê Thị Kim Hà (huyện Phú Tân) cho biết: “Đây là lần đầu tiên, tôi được đến thăm khu lưu niệm. Được tham quan, nghe thuyết minh về những câu chuyện lịch sử, tôi rất cảm động, hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Từ đó, tôi càng tự hào, cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng là người con của quê hương An Giang”.

Anh Trần Thiên Bảo (huyện Tri Tôn) chia sẻ: “Tôi đã đến đây nhiều lần, nhưng mỗi lần đến đều có cảm xúc khác nhau. Càng đi nhiều, hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, tôi càng tự hào hơn, sẽ cố gắng học tập, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông”.

Em Phạm Thị Tuyết Ngọc (sinh viên Trường Đại học An Giang) khẳng định: “Tham quan Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đem đến những bài học lớn cho tôi và các bạn về truyền thống yêu nước, đấu tranh hào hùng của thế hệ cha ông. Đây còn là dịp tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân những cống hiến của Bác Tôn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Khu lưu niệm trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống, giúp chúng tôi bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay”.

TRỌNG TÍN