Hiệu quả bước đầu
Trước khi nuôi lươn, gia đình ông Khang chỉ làm ruộng và nuôi cá. Tuy nhiên, việc nuôi cá giá cả bấp bênh, trong khi làm lúa cũng không khá mấy, kinh tế gia đình không ổn định. Năm 2019, được Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân giới thiệu mô hình nuôi lươn mật độ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp nên ông Khang đã quyết định thực hiện.
Trên diện tích 20m2 bể nuôi được lót bạt, ông Khang đặt 20 bó dây bẹ. Mỗi bó dài 40cm, được buộc chặt 1 đầu và bố trí khắp bể. Bể nuôi lươn được thiết kế mái che để hạn chế mưa, nắng nóng trong quá trình nuôi. Với diện tích như trên, ông Khang thả 4.000 con lươn giống (kích cỡ 290 con/kg) với giá 6.500 đồng/con. Nguồn lươn giống được ông mua từ trại giống sinh sản bán nhân tạo có uy tín trên địa bàn.
Mô hình nuôi lươn mật độ cao mở ra hướng đi mới cho nông dân
Đặc biệt, mô hình nuôi lươn của ông Khang sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40-42%. Nguồn nước sử dụng cấp vào bể được lấy từ ao lắng đã qua xử lý sát trùng và được kiểm tra nồng độ pH. Bình quân mỗi ngày, ông Khang thay nước 2 lần trước giờ cho lươn ăn. Trong quá trình cho ăn bổ sung men tiêu hóa và tẩy giun sán định kỳ cho lươn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra lươn để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có những giải pháp chữa trị kịp thời, hợp lý.
“Nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp khỏe lắm, sáng thay nước và cho ăn nửa tiếng, chiều nửa tiếng là xong, sau khi thay nước cần chú ý độ pH duy trì ở mức 7,5-8,5; nếu độ pH dưới hay trên mức đó thì lươn rất dễ bị sốc và chết” - ông Khang chia sẻ.
Hiện nay, sau 7 tháng thả nuôi, lươn đang trong giai đoạn tăng trọng nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, khoảng 300 con; trọng lượng bình quân 11 con/kg, một số lươn lớn đạt 190gr/con, ước sản lượng trên 300kg. Dự kiến, đàn lươn này nuôi thêm 5-7 tháng nữa sẽ thu hoạch, khi đó con lươn sẽ đạt kích cỡ trung bình khoảng 250gr/con. Đến nay, nguồn kinh phí mà ông Khang đã đầu tư cho mô hình khoảng 35 triệu đồng, chủ yếu dùng để mua lươn giống và thức ăn.
Nhân rộng mô hình
Ngoài mô hình của ông Nguyễn Mạnh Khang, năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân đã phối hợp triển khai thực hiện 9 mô hình nuôi lươn ở các địa bàn. Các mô hình này đều nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của huyện. Hiện tại, một số mô hình đã cho thu hoạch, có mô hình đạt sản lượng 800kg/20m2, lợi nhuận trên 80 triệu đồng như mô hình của Lâm Văn Đoàn Xuân (xã Phú Bình).
Trước đây, nông dân huyện Phú Tân thường nuôi lươn trong bể bạt, bên trong thường được người dân sử dụng đất hay thân cây bắp để nuôi lươn. Tuy nhiên, phương thức thả nuôi này đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: lươn giống mua từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng con giống không được kiểm soát; dịch bệnh thường xảy ra nên tỷ lệ sống của lươn chưa cao. Thức ăn chủ yếu được người dân cho lươn ăn hàng ngày là cá, ốc được xay nhuyễn, khi gặp môi trường nước rất dễ tan, gây ra tình trạng lãng phí thức ăn.
Đặc biệt, nguồn thức ăn (cá tạp tự nhiên) không thể chủ động và không đảm bảo yêu cầu chất lượng khiến lươn dễ bị nhiễm bệnh từ nguồn thức ăn tươi sống, cùng với đó là môi trường nước nuôi lươn dễ bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của mô hình...
Áp dụng mô hình nuôi lươn mật độ cao sử dụng thức ăn công nghiệp giúp con lươn khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều và sạch bệnh. Việc sử dụng thức ăn viên còn giúp ít hao hụt khi nuôi, đồng thời chủ động được nguồn thức ăn, tránh hủy diệt cá tự nhiên, hạ giá thành sản phẩm, môi trường nước tốt, ít bị bệnh…
Đây được xem là mô hình phù hợp với khu vực đô thị, có ít đất sản xuất, tận dụng lao động sẵn có tại nông hộ, giúp nông dân tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
ĐÌNH ĐỨC