Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh, năm 2018, hội cựu chiến binh các cấp đã tham gia hòa giải cơ sở 1.406 vụ, trong đó hòa giải thành 1.291 vụ (đạt 91,82%), nhờ đó trật tự xã hội tại địa bàn khóm, ấp được ổn định. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh tỉnh còn thường xuyên phối hợp với lực lượng vũ trang các cấp tìm kiếm, cất bốc, cải táng hài cốt liệt sĩ, đồng thời rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công, tổ chức 355 cuộc giáo dục thanh niên thi hành nghĩa vị quân sự với 8.101 lượt thanh niên và gia đình. Cựu chiến binh các cấp đã tổ chức 752 cuộc tuyên truyền phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và an toàn giao thông với 25.087 lượt người tham dự, nhận giáo dục cảm hóa 277 đối tượng, trong đó có 149 đối tượng có dấu hiệu chuyển biến.
Một trong những gương điển hình cho hình ảnh người cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong các phong trào là chú Nguyễn Hữu Thời (68 tuổi, cựu chiến binh phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Ở khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình) mọi người vẫn gọi chú với cái tên thân thương là chú Ba Thời. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi tại chiến trường Cà Mau. Năm 1972, trong một trận chống càn của địch, chú bị thương ở chân và đầu, thương binh 4/8. “Ngày đó, khóm Nguyễn Du có rất nhiều trẻ em nghèo, phần đông là con em lao động nên không được học hành, có nhiều biểu hiện và hành vi tiêu cực như: trộm cắp, vô lễ, quậy phá… Tôi chợt nghĩ, chiến trường đạn bom khói lửa ác liệt như vậy, mình còn vượt qua được thì tại sao phải đứng nhìn các cháu nhỏ dần dần xa rời vòng tay thương yêu của gia đình, xã hội. Giặc đói và giặc ngoại xâm đã bị đẩy lùi, thời bình này phải “đánh” cho được giặc dốt. Nghĩ vậy, năm 1993 tôi đề xuất lãnh đạo phường mở một lớp học tình thương để tập hợp các cháu không có điều kiện đến trường, nghèo khó cơ nhỡ có nơi học tập, vui chơi lành mạnh, tránh xa phần tử xấu” - chú Ba Thời bộc bạch. Hơn 25 năm thành lập lớp học tình thương giữa lòng thành phố, vượt qua nhiều khó khăn, lớp học đặc biệt ấy vẫn duy trì và phát triển tốt đến tận hôm nay bằng chính “ngọn lửa nhiệt huyết” của người lính, sự hy sinh của chú Ba Thời và nhiều tấm lòng hảo tâm khác.
Phát huy và giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, công tác xây dựng hội trong sạch vững mạnh về chính trị tư tưởng luôn được các cấp ủy địa phương và các tổ chức hội cựu chiến binh quan tâm. Đặc biệt, các tổ chức hội và hội viên trong tỉnh đã và đang có nhiều cố gắng trong công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ, tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - công nghệ và tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2018, có 2.993 hộ hội viên cựu chiến binh được vay từ nguồn vốn nội bộ với số tiền trên 5 tỷ đồng giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu hợp pháp. Theo đó, số lượng hộ cựu chiến binh nghèo trong tỉnh là 206, giảm 84 hộ so với cuối năm 2017, đạt tỷ lệ 1,61%. Dù bản thân bị bệnh hiểm nghèo, phải xạ trị thường xuyên để kéo dài sự sống nhưng chú Hồ Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Định Thành (Thoại Sơn) vẫn rất lạc quan khi tiếp chuyện chúng tôi. Chú Nghiệp chia sẻ: “Tôi vui lắm khi được địa phương hỗ trợ cất mới căn nhà Đồng đội năm 2018. Gia đình ngày trước đông con, không có điều kiện xây dựng căn nhà khang trang. Giờ đây được sống trong căn nhà mới ấm áp nghĩa tình, tôi rất xúc động. Căn nhà trị giá 70 triệu đồng, gia đình tôi đối ứng 15 triệu đồng. Tôi sẽ cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính năm xưa, ra sức xây dựng nông thôn mới ấm no, giàu đẹp”.
Có thể nói, qua phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của các hội viên cựu chiến binh. Ngày nay, những người lính ấy đã và đang tích cực chiến đấu trên mọi mặt trận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
PHƯƠNG LAN