Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác chăm lo đời sống Nhân dân

02/02/2024 - 07:32

Với quan điểm coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, mỗi dịp lễ, Tết, các thế lực thù địch vẫn rêu rao xuyên tạc chính sách an sinh xã hội, công tác chăm lo cho Nhân dân…

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo; các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động.

Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự đồng lòng của Nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cả nước đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp, cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra, trong đó tất cả các chỉ tiêu xã hội đều đạt và vượt, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Trao quà cho hộ nghèo huyện An Phú, nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhờ có chính sách đúng đắn, hiệu quả của Nhà nước và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, hàng triệu người đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và quay trở lại giúp đỡ cộng đồng. Năm 2023, do nhiều yếu tố tác động, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành hiệu quả của Chính phủ, nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,05% so năm 2022, gấp 2 lần mức tăng trưởng trung bình của thế giới.

Quy mô nền kinh tế đạt 431 tỷ USD, từ xếp thứ 40 lên thứ 34 trên thế giới; GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so năm 2022; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách đạt 1.745.000 tỷ đồng, vượt dự toán 4,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD.  

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng mỗi năm chúng ta vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả. 

Năm 2023, cả nước có 51,3 triệu lao động có việc làm, tăng 638.000 người so với năm 2022; người trong độ tuổi lao động thất nghiệp còn 2%, giảm 0,2%. Nhà nước cấp 23.000 tỷ đồng, 21.600 tấn gạo hỗ trợ người lao động thiếu việc làm và hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 03/CĐ-TTg, ngày 14/1/2024 về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định tặng quà gần 1,47 triệu người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thuộc 14 nhóm đối tượng khác nhau, với tổng kinh phí hơn 449 tỷ đồng… 

Ủy ban Trung ương MTTQVN trích 17,7 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để thăm và tặng quà người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán 2024. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đều trích ngân sách, Quỹ Vì người nghèo để chăm lo cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Có thể thấy, chăm lo đời sống cho Nhân dân đã được xác định là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và bản chất của Nhà nước XHCN, của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân đã được Đảng, Nhà nước vận dụng hiệu quả trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo; đang tích cực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030…

Thế nhưng, các thế lực thù địch lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm phủ nhận những thành quả về kinh tế - xã hội, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay. Một số đài, báo nước ngoài thiếu thiện chí và các trang mạng xã hội của một số tổ chức, cá nhân thù địch, kẻ cơ hội chính trị rêu rao rằng “Đảng, Nhà nước Việt Nam không lo cho dân”, “bỏ mặc dân”… Những luận điệu xuyên tạc này là vô lý, không có cơ sở về thực tiễn, nên chúng ta cần nhận diện đấu tranh, kiên quyết bác bỏ. Cần tỉnh táo phản bác trước sự kích động, để giữ vững sự ổn định, phát triển đất nước.   

H.N