Làm đất kỹ trước khi xuống giống là điều kiện giúp vụ đông xuân đạt hiệu quả cao
Lưu ý thời tiết
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết năm 2022, dự báo còn vài cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong khi đó, nhiệt độ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,50C. Tháng 11/2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-35%, có nơi trên 40% so trung bình nhiều năm. Tháng 12/2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%.
Căn cứ diễn biến thời tiết và thực tế sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh từ ngày 1/11 đến 31/12/2022 (nhằm ngày 8/10 đến 9/12 âm lịch), đặc biệt lưu ý 2 đợt xuống giống né rầy (đợt 1, từ ngày 15 đến 26/11, khoảng 60.000ha; đợt 2, từ ngày 11 đến 25/12, khoảng 80.000ha).
Sở NN&PTNT lưu ý các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân theo kế hoạch chung của tỉnh và kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, thiếu nước tưới trong mùa khô phù hợp với điều kiện ở từng địa phương…
Đồng thời, khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống, đặc biệt là những vùng không sản xuất vụ thu đông (còn nhiều lúa chét, cỏ dại...). Đối với các tiểu vùng xuống giống trước khung lịch thời vụ, cần theo dõi, quản lý dịch hại chặt chẽ. Đối với tiểu vùng trũng, nước rút muộn cần chủ động bơm rút nước ra để xuống giống đông xuân 2022-2023 đúng lịch thời vụ chung của tỉnh.
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, giải pháp tưới nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ)... nông dân được khuyến cáo thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại. Dù giá phân bón có biến động, nông dân cần đầu tư bón đủ phân cho lúa theo hướng dẫn, không bón ít khi giá tăng hoặc bón thừa khi giá giảm, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.
Ngành nông nghiệp phối hợp địa phương, doanh nghiệp (DN) đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng trên lúa, rau màu, cây ăn trái tại các vùng có triển khai liên kết tiêu thụ, giúp cho chuỗi liên kết sản xuất được ổn định.
Cộng đồng trách nhiệm
Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, có 15 DN đăng ký liên kết tiêu thụ, với tổng diện tích 131.130ha, chiếm 57,48% diện tích dự kiến xuống giống. Với diện tích còn lại, các địa phương cần tăng cường kết nối thông tin DN, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch, tập trung vào 2 đợt cao điểm: Đợt 1, từ ngày 16 đến 30/3/2023, thu hoạch khoảng 520.000 tấn; đợt 2, từ ngày 1 đến 13/4/2023, thu hoạch khoảng 550.000 tấn. Ngoài ra, từ đầu tháng 2/2023, sẽ thu hoạch lúa đông xuân liên tục. Trong đó, nâng cao năng lực các hợp tác xã (HTX) đang liên kết và hỗ trợ giới thiệu liên kết mới giữa HTX, tổ hợp tác sản xuất với DN. Đối với các vùng sản xuất đủ điều kiện, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX đề nghị cấp mã số vùng trồng (code), tiến đến quản lý vùng sản xuất có hệ thống và hiệu quả hơn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang được giao chủ động phối hợp Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai đạt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ vụ đông xuân 2022-2023. Bên cạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến về việc tuân thủ xuống giống đúng khung lịch thời vụ của tỉnh, đơn vị cần thường xuyên theo dõi, dự báo diễn biến tình hình dịch hại, thông báo và hướng dẫn cho nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả; thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, thăm đồng, phát hiện kịp thời các loại dịch hại để giúp nông dân chủ động phòng trừ.
Các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT được giao phối hợp xây dựng kế hoạch sản xuất trong điều kiện hạn, mặn, thiếu nước trong mùa khô và chống úng khi gặp mưa bão; tăng cường nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh, mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng “Cánh đồng lớn”, thu hút nhiều DN tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò đại diện của HTX…
An Giang tiếp tục triển khai chương trình phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang về sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin về các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ để các địa phương liên kết với DN tiêu thụ nông sản cho nông dân. |
NGÔ CHUẨN