Đến cuối năm 2022, Nhật Bản là đại diện đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam. 2 bên đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhiều lĩnh vực then chốt, như: Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Năm 2022, có hơn 127.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, cao gấp 6 lần năm 2021. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản trên 500.000 người.
Đại hội Hội Hữu Nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2023 – 2028
Năm 2021, UBND tỉnh An Giang thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, là tổ chức chính trị - xã hội mang tính quần chúng rộng rãi của Nhân dân và là thành viên của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh An Giang. Việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nhằm thắt chặt thêm nữa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố Nhật Bản nói riêng. Hiện nay, hội có 50 thành viên, có 3 chi hội, gồm: Chi hội Hội Nông dân, Chi hội Angimex - Kitoku An Giang và Chi hội Trường Đại học An Giang.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh An Giang Châu Văn Ly cho biết, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nhật của cả nước, những năm qua An Giang đã có nhiều mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực, chương trình dự án về đào tạo cán bộ, nông nghiệp, nước sạch vệ sinh môi trường…
Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã đề xuất Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh một số hoạt động hợp tác các dự án do JICA đầu tư, hợp tác với Công ty TNHH Angimex - Kitoku phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa của nông dân. 5 năm qua, thông qua Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, tỉnh An Giang đã được hỗ trợ một số chương trình dự án về các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, sức khỏe sinh sản… với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng.
Các chương trình này đã đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại An Giang trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, bảo trì máy công cụ nông nghiệp có những bước khởi đầu quan trọng cho mối quan hệ hợp tác kinh tế.
Các đại biểu lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Công ty Angimex - Kitoku, tình nguyện viên Nhật Bản tại An Giang… đã tăng cường giao lưu, trao đổi trực tiếp với các cán bộ, công chức và sinh viên An Giang về những hoạt động hợp tác Việt - Nhật. Không những vậy, cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam qua tình cảm của các tình nguyện viên thân thiện và đầy tình hữu nghị đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt hơn nữa tình cảm, mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.
Tư vấn xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản
5 năm qua, lồng ghép với các công việc của tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tham gia ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Saga (Nhật Bản) về hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, hợp tác nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, 2 bên tiến hành xúc tiến hợp tác thương mại và du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Kagoshima. Từ khi triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp công nghệ cao, An Giang đã tổ chức nhiều đoàn sang Nhật Bản để học tập các mô hình sản xuất và các viện, trường đại học uy tín nước bạn. Cùng với đó, triển khai 2 dự án đầu tư doanh nghiệp FDI (Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty TNHH Kubota Việt Nam).
Đề án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất lúa Nhật với sự phối hợp giữa Công ty TNHH Angimex - Kitoku và Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ lúa Nhật ở 5 huyện, thành phố: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Long Xuyên, với tổng diện tích trên 8.000ha, góp phần tăng thu nhập hàng năm từ 40 - 50%/vụ sản xuất cho trên 2.500 nông dân.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã An Giang Trần Văn Cứng thông tin, 4 năm qua, đơn vị đã gắn kết với 1 doanh nghiệp Nhật Bản để chuyển giao kỹ thuật mới từ dàn xới, tỉa kết hợp. Kế đến là thử nghiệm dàn xới, gieo hạt kết hợp “2 trong 1” hoặc “3 trong 1” (xới, tỉa, san lấp mặt bằng) và thành công tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân), Hợp tác xã Nông nghiệp Thoại Giang (huyện Thoại Sơn). Ngoài ra, đơn vị đang xúc tiến dự án trồng thử nghiệm mô hình xen canh giữa đậu nành và 2 vụ lúa để cải thiện tình trạng đất bạc màu…
Trình diễn máy “3 trong 1” trong sản xuất lúa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân)
Ông Châu Văn Ly cho biết, thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ tốt đẹp, trong đó thông qua Công ty TNHH Angimex - Kitoku xúc tiến việc mở rộng hợp tác lớn hơn trong sản xuất lúa Nhật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua công ty, tìm kiếm hợp tác với 1 tỉnh, thành phố của Nhật Bản về trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa nông dân An Giang với nông dân Nhật Bản. Tập trung chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất theo chương trình công nghệ cao, đầu tư các dự án, trao đổi lưu học sinh, cử chuyên gia Nhật Bản sang giúp nông dân Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng, đồng thời tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước Nhật Bản.
“Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện trong 5 năm tới, như: Hoạt động giao lưu hữu nghị, giao lưu văn nghệ nhân các ngày lễ lớn của Việt Nam và Nhật Bản; tăng cường mối quan hệ với các tổ chức của Nhật Bản đang hoạt động thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn An Giang, làm đầu nối vận động các tổ chức Nhật Bản hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa… để phát triển tỉnh” - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh An Giang Châu Văn Ly nhấn mạnh.
MỸ HẠNH