Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

01/08/2024 - 07:19

 - Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.

Có thể thấy, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, vị trí, vai trò của người có uy tín rất quan trọng, tiếng nói của họ thuyết phục rất lớn đối với thành viên trong cộng đồng. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, là cầu nối gắn kết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân nhằm vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay hàng năm, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Thoại Sơn luôn tổ chức các đoàn công tác đi chúc Tết. Chuyến thăm nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS nói chung, người có uy tín trong đồng bào DTTS nói riêng. Đồng thời, kết hợp nắm bắt tình hình vùng đồng bào DTTS.

Qua đó, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước; động viên, phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực tự cường, vươn lên vượt qua khó khăn của đồng bào; phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương…

Tặng quà bà con dân tộc thiểu số Khmer có hoàn cảnh khó khăn

Đại diện người có uy tín trong DTTS Khmer, anh Danh Thanh, Phó Trưởng ban Nhân dân khóm Tân Đông (thị trấn Óc Eo) cho biết: “Trong quá trình thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn khóm luôn có sự ủng hộ, đồng hành và đóng góp tích cực của người có uy tín. Bằng nhiều phong trào và việc làm thiết thực, người có uy tín đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, giáo dục con cháu; bảo tồn, phát huy giá trị đạo đức, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc”.

Theo anh Danh Thanh, người có uy tín trong đồng bào DTTS được bình chọn qua từng nhiệm kỳ và được UBND huyện ra quyết định phê duyệt công nhận. Tính đến nay, tổng số người có uy tín tiêu biểu là 4 người thuộc 4 khóm trên địa bàn thị trấn. Những năm qua, UBND thị trấn và khóm Tân Đông luôn quan tâm đến công tác dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng các DTTS.

Hàng năm, người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn tích cực, chủ động tuyên truyền việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại khóm Tân Đông. Địa phương còn tổ chức cho người có uy tín đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn. Đặc biệt, địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình hoạt động người có uy tín, thăm hỏi người có uy tín ốm đau, qua đời…

“Theo chỉ đạo của UBND thị trấn về việc lựa chọn các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa tham gia vào các dự án hỗ trợ sản xuất thoát nghèo bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, khóm đã cùng các chi hội và người có uy tín trên địa bàn đã rà soát, vận động và lập danh sách 53 (48 hộ thuộc khóm Tân Đông và 5 hộ thuộc khóm Trung Sơn) tham gia các mô hình hỗ trợ sản xuất, như: Chăn nuôi bò thịt thoát nghèo bền vững, Nhạc cụ phục vụ văn hóa - văn nghệ và dệt thổ cẩm Khmer với tổng số tiền hơn 1.2 tỷ đồng” - Phó Trưởng ban Nhân dân khóm Tân Đông Danh Thanh thông tin.

Bà Mai Thị Son (ngụ khóm Tân Đông) chia sẻ: “Tôi đã lớn tuổi, không có việc làm ổn định. Nhờ các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ, mở lớp học nghề dệt thổ cẩm như thế này, tôi rất vui. Quá trình học, tôi luôn cố gắng học tập để sau này còn truyền nghề cho con cháu”.

Lớp dệt thổ cẩm Khmer trình độ sơ cấp diễn ra vào tháng 12/2023. Lớp học mang lại cho các học viên những kiến thức cơ bản về nghề dệt thổ cẩm, như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải và các kiến thức nâng cao hơn về nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Khmer. Đây không chỉ là cơ hội để các học viên nâng cao kỹ năng dệt thổ cẩm mà còn giúp cho các học viên có thể tự dệt vải thổ cẩm cho mình, phát triển kinh tế gia đình.

Những minh chứng trên cho thấy, hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, người có uy tín trên địa bàn huyện Thoại Sơn luôn có ý thức và nhắc nhở các thế hệ phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

PHƯƠNG LAN