Phát triển năng lượng sạch

01/05/2018 - 07:36

 - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành năng lượng (NL) là ngành góp phần lớn làm tăng phát thải khí nhà kính ở nước ta. Chính vì thế, giải pháp giảm nhẹ phát thải của ngành này rất cần thiết. Trong đó NL tái tạo không chỉ là giải pháp thân thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn đặc biệt quan trọng đối với các hộ dân chưa được tiếp cận điện lưới.

Theo các nghiên cứu cho thấy, chi phí sản xuất điện mặt trời thấp hơn chi phí NL tạo ra từ các máy phát điện sử dụng xăng, dầu. Các dự án NL có thể mang lại những “đồng lợi ích” tích cực qua việc nâng cao tính sở hữu của địa phương và thiết lập các chuỗi giá trị mới cho cộng đồng.

Ở Việt Nam, bếp nấu sử dụng khí sinh học được sử dụng ở nhiều nơi, nhưng vẫn chưa được nhân rộng trong phạm vi cả nước. Trong đó, những giải pháp dễ thực hiện và hợp lý về mặt kinh tế gồm các loại bếp nấu được cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả NL khí đốt sinh học.

So với các loại bếp truyền thống, loại bếp này giảm 80% lượng củi đốt, điều này có nghĩa là giảm áp lực đối với các khu rừng (do giảm khai thác củi đốt), giảm phát thải khí nhà kính… qua đó nâng cao sức khỏe con người.

Phát triển năng lượng sạch

Sản xuất củi trấu để tạo ra năng lượng sinh khối thân thiện môi trường. (Ảnh: T.L)

Trong lĩnh vực canh tác lúa, cây trồng chiếm lượng lớn phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp. Một trong các dự án đó là thực hành “1 phải, 6 giảm” (áp dụng “1 phải, 5 giảm” kết hợp giảm phát thải khí nhà kính) được triển khai ở một số địa phương.

Qua đó cho thấy, mật độ hạt giống được giảm, giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu và áp dụng phương pháp tưới mới. Biện pháp thực hành “1 phải, 6 giảm” đã giúp giảm khoảng 40-65% lượng phát thải nhà kính so phương pháp truyền thống.

Ở An Giang đã triển khai nhiều dự án NL sạch, sử dụng NL sinh khối để góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện thành công các mô hình sản xuất sạch như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “ruộng lúa, bờ hoa” và trồng lúa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thu gom, xử lý bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, khắc phục ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới để sản xuất thân thiện môi trường; sản xuất củi trấu để tạo ra NL sinh khối, sử dụng chất thải từ cây lúa tạo ra NL sạch…

Điển hình là Tập đoàn Sao Mai - đơn vị tiên phong khai thác NL sạch bằng việc lắp đặt hệ thống pin NL mặt trời trên nóc nhà máy số 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI -Thành viên của Sao Mai Group) với tổng công suất 1,056 MW. Tiếp đà phát triển, Sao Mai tiếp tục triển khai dự án xây dựng nhà máy phát điện NL mặt trời tại huyện Tịnh Biên có quy mô trên 270ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Xác định phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và sạch, An Giang phấn đấu đến năm 2030 có 101.440ha trồng lúa ứng dụng công nghệ cao kết hợp “1 phải, 5 giảm”. Lượng các-bon cắt giảm tương ứng 300.888 tấn, diện tích rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng 40%, trong đó có 15% được thu gom để sản xuất NL; tỷ lệ trấu được thu gom sản xuất điện trấu và các sản phẩm NL khác là 50%...

UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch hành động “Quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa sản xuất NL trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Tổng dự toán kinh phí thực hiện dự án hơn 515 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang  đã làm việc với Công ty TNHH Sanden Technology Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sanden Holding - Nhật Bản) về phát triển NL sạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đề xuất Tập đoàn Sanden Holding nghiên cứu đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng bằng NL mặt trời, xây dựng nhà máy NL mặt trời trên địa bàn tỉnh, phát triển dự án điện rác để xử lý nguồn nhiệt thải ra của 3 nhà máy xử lý rác Bình Hòa, Phú Tân và TP. Châu Đốc (công suất đốt 700 tấn/ngày) nhằm tăng cường lợi ích từ điện sinh khối của tỉnh. Đồng thời, đề xuất lắp đặt hệ thống pin NL mặt trời tại các nhà máy, xí nghiệp nhằm hạn chế quá tải cho điện lưới quốc gia.

HỮU HUYNH