Phát triển nông nghiệp ở huyện miền núi

05/12/2019 - 07:23

Trong bối cảnh ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo Châu Phi, huyện Tri Tôn tập trung khuyến khích phát triển đàn heo an toàn sinh học quy mô nông trại. Đối với cây trồng, mở rộng những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Nông dân Tri Tôn thi đua sản xuất

Khắc phục khó khăn

Vụ đông xuân 2018-2019 và hè thu 2019, ruộng đồng Tri Tôn đã đối mặt với tình hình dịch bệnh phức tạp với tổng diện tích nhiễm sinh vật hại 31.814 lượt ha (vụ lúa đông xuân 18.889 lượt ha, vụ hè thu 12.925ha), tăng 8.488 lượt ha so cùng kỳ 2018, chủ yếu nhiễm rầy nâu, đạo ôn lá, sâu cuốn lá, lem lép hạt... Trong đó, rầy nâu gây hại trên diện rộng, khó phòng trị. Chỉ riêng vụ đông xuân 2018-2019, diện tích nhiễm rầy nâu lên đến 14.148ha, cao hơn 4,8 lần so với vụ đông xuân trước.

Để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp, Tri Tôn vừa ứng phó với dịch hại vừa tăng diện tích sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, tổng diện tích gieo trồng cả năm 2019 ước đạt 113.105ha, đạt 102,04% so kế hoạch và tăng 2,65% so cùng kỳ 2018 (tăng 2.921ha). Trong đó, diện tích lúa đạt 108.914ha (tăng 2.607ha so cùng kỳ), hoa màu các loại đạt 4.191ha (tăng 314ha). Nhìn chung, năng suất các loại cây trồng đều tăng nhẹ, trong đó năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 5,75 tấn/ha, sản lượng 626.693 tấn, tăng 26.245 tấn so năm 2018.

Khi cây lúa gần như khó tăng trưởng thêm, Tri Tôn đã khuyến khích nâng tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện lên 1.113ha, tăng 95ha so năm 2018, gồm nhiều chủng loại như: xoài, chuối cấy mô, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn idor… Đặc biệt, huyện đã hình thành vùng trồng xoài VietGap 60ha tại xã Lê Trì; UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của Công ty Vĩnh Phát (trồng chuối cấy mô). Tri Tôn còn phát triển trên 131ha trồng dược liệu, gồm: các loại tần dày lá (17ha), đinh lăng (18,83ha), nghệ vàng (18,7ha), nhàu (67,2ha), cà gai leo (9,3ha) và các loại khác như: sâm đất, thiềng liềng đen, đu đủ lấy mủ...

Trong bối cảnh ảnh hưởng bệnh dịch tả heo Châu Phi, Tri Tôn tập trung bảo vệ đàn heo thịt, heo giống hơn 8.000 con của trại Việt Thắng, duy trì quy mô nuôi 11.500 con của trại Hoàng Vĩnh Gia, thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn cho khoảng 736 hộ nuôi trên địa bàn với gần 7.000 con heo.

Tập trung phát triển

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn, tính từ thời điểm phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi (ngày 3-6-2019) đến nay, đã có 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh. Các ngành chức năng đã tiêu hủy 906 con heo với tổng trọng lượng trên 53 tấn. Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện đã tiến hành 22 đợt kiểm tra ở tất cả 15 xã, thị trấn, trong đó tập trung ở các xã có số lượng đàn heo nhiều như: Ô Lâm, Lương An Trà và các xã giáp biên giới như: Lạc Quới, Vĩnh Gia. Qua đó, đã nhắc nhở 2 điểm tập kết heo tại xã Lạc Quới, Vĩnh Gia và 1 điểm giết mổ ở xã Lạc Quới thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về công tác vệ sinh tiêu độc. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn cho rằng, bệnh dịch tả heo Châu Phi tuy gây nhiều thiệt hại nhưng cũng là cơ hội để địa phương tái đàn heo theo hướng an toàn sinh học, nâng cao giá trị của loại vật nuôi phổ biến này.

Nhằm phục vụ tốt cho sản xuất cũng như ứng phó với diễn biến khô hạn, thiếu nước tưới, xâm nhập mặn khi bước vào mùa khô 2019-2020, năm 2019, huyện Tri Tôn đã triển khai thi công 115 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 70,43 tỷ đồng. Các công trình đang triển khai quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ. Huyện triển khai thực hiện Dự án VnSAT tại 6 xã với 1.147 hộ nông dân tham gia trên diện tích khoảng 5.000ha. Tính đến nay, tổ thực hiện dự án đã mở 28 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất “1 phải, 5 giảm” cho 883 nông dân; xây dựng 8 mô hình trình diễn về sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” với diện tích 2ha/mô hình, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong canh tác.

Bên cạnh mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tri Tôn còn chú trọng phát triển các hợp tác xã kiểu mới để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trên địa bàn huyện có 8 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó 7 hợp tác xã nông nghiệp và 1 hợp tác xã giao thông vận tải. Bên cạnh đó, còn có 34 tổ hợp tác và 23 trang trại (gồm 2 trang trại tổng hợp, 14 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi). Đây là điều kiện để địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.

NGÔ CHUẨN