Phát triển sản phẩm OCOP từ dưa lê

25/10/2023 - 08:12

 - Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lê đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Gom (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) có được thu nhập ổn định. Sản phẩm dưa lê của gia đình ông Gom ngoài tiêu chí về thơm ngon, còn đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, được định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.

Nhờ canh tác dưa lê trong nhà màng nên ông Gom có thể chủ động thời vụ sản xuất

Đòi hỏi nhiều kỹ thuật

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống trồng lúa từ rất lâu. Những năm qua, hiệu quả từ cây lúa không mang lại thu nhập khả quan cho gia đình ông Nguyễn Văn Gom. Thấy rõ thực tế trên, ông Gom luôn trăn trở, mong muốn tìm ra loại cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Sau khi tham quan nhiều mô hình của nông dân trong tỉnh và theo dõi trên các trang mạng xã hội, nhận thấy mô hình trồng dưa lê trong nhà màng thích hợp với vùng đất địa phương. Bên cạnh, nhu cầu của thị trường về loại cây trồng này ngày một tăng lên, hiệu quả kinh tế mang lại khả quan so với các loại cây trồng khác. Từ đó, gia đình tôi quyết định lựa chọn dưa lê để phát triển kinh tế” - ông Gom chia sẻ.

Năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Gom đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lê với diện tích 1.000m2. Đồng thời, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ cao.

Ông Gom cho biết, thời gian đầu ông gặp nhiều khó khăn, do kinh nghiệm sản xuất trong nhà màng chưa có, kỹ thuật canh tác chưa cao, gặp rất nhiều lúng túng. Nhưng với sự quyết tâm, ông Gom đã từng bước học hỏi nhiều nơi, tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước nên dần khắc phục được những khó khăn, đến nay đã mở rộng thêm 2 nhà trồng, tổng diện tích 3.500m2.

Ông Gom cho biết, nhờ trồng trong nhà màng nên dưa lê có thể canh tác quanh năm. Mật độ gieo trồng khoảng 2.800 cây/1.000m2. Giá thể là mụn dừa, tro trấu, phân bò và phụ phẩm nông nghiệp từ vụ trước. Tất cả giá thể đều được ngâm ủ, xử lý với nấm Trichoderma và được phối trộn theo tỷ lệ nhất định. Giá thể sau khi xử lý được cho vào các bầu ny-lon trồng cây loại 2 mặt, kích thước bầu 30 x 40cm.

Hạt giống lựa chọn phải đảm bảo khỏe và có khả năng nảy mầm tốt. Hạt giống đem ngâm trong nước ấm khoảng 2 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch và ủ trong túi vải khoảng 24 - 36 giờ. Khi hạt đã nứt nanh, tiến hành gieo vào khay xốp vào buổi chiều mát. Khi cây có 2 - 3 lá thật hoặc chiều cao khoảng 10 - 15cm thì tiến hành trồng cây vào bầu. Cây con sau khi trồng vào bầu chỉ tưới nước trong 1 - 2 ngày đầu, sau đó cung cấp đồng thời dung dịch dinh dưỡng và nước thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. “Trong quá trình canh tác, phải điều chỉnh lượng nước tưới theo giai đoạn sinh trưởng của dưa lê, điều kiện nhiệt độ và ẩm độ của nhà trồng. Trước khi thu hoạch 1 - 3 ngày có thể ngưng tưới nước và dinh dưỡng” - ông Gom thông tin.

Cũng theo ông Gom, khi dưa lê đạt độ cao từ 20 - 30cm thì quấn dây cho dưa lê. Sau đó, cứ 2 ngày lại quấn 1 lần. Khi cây xuất hiện chồi nách thì tỉa hết các cành nách ở vị trí từ lá thứ 12 trở xuống, để lại chồi nách ở vị trí thứ 13 - 15 và tiến hành thụ phấn. Lúc đã đậu trái, tiến hành bấm chồi của cành mang trái và chỉ để lại 1 - 2 lá trên cành. Cây cao khoảng 1,5m, tỉa bỏ lá gốc, lá vàng… Cây dưa lê thường gặp các đối tượng gây hại, như: Nhện đỏ, bọ phấn trắng và bọ trĩ…

Ngoài ra, còn xuất hiện các loại bệnh hại khác, như: Thối gốc, chạy dây và chết héo cây non. Do đó, người trồng phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý.

Phát triển sản phẩm OCOP

Theo ông Gom, dưa lê sau khi trồng khoảng 65 - 70 ngày là tiến hành thu hoạch. Với diện tích canh tác của gia đình, ước tính mỗi năm, sản lượng thu hoạch khoảng 36 tấn. Giá bán từ 30.000 - 45.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình ông Gom thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm dưa lê của gia đình ông Gom thời gian qua nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng, chính điều này đã thúc đẩy ông đi đến việc xây dựng thương hiệu “Dưa lê Tài Lộc”. Việc xây dựng thương hiệu này sẽ giúp đưa sản phẩm ra thị trường dễ dàng hơn.

Song song với việc xây dựng thương hiệu, ông Gom còn áp dụng thêm những tiêu chuẩn an toàn trong quá trình trồng và thu hoạch sản phẩm. Điều này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, màu sắc đẹp, độ ngọt đạt yêu cầu nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

 “Trước đây, dưa lê chỉ được bán trực tuyến trên các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo… các thương lái trong tỉnh. Hiện nay, gia đình tôi được các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh đến tận vườn ký kết hợp đồng tiêu thụ, liên kết thu mua để bán đi nhiều địa phương khác trong cả nước. Từ đó, giúp chúng tôi an tâm về đầu ra của sản phẩm dưa lê, chuyên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Gom phấn khởi.

Hiệu quả mô hình trồng dưa lê trong nhà màng đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Gom có được nguồn thu tốt hơn; đồng thời, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. “Hướng tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn; qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương” - ông Gom chia sẻ.

Hiện nay, sản phẩm “Dưa lê Tài Lộc” của gia đình ông Nguyễn Văn Gom được chính quyền địa phương đánh giá cao, lựa chọn để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của TX. Tân Châu.

Dưa lê là một trong những loại trái cây nhiệt đới, được trồng phổ biến, mùi thơm dịu, vị ngọt mát, giàu vitamin C, E... có thể dùng để ăn tươi hoặc xay sinh tố.

ĐỨC TOÀN