Hồ tiêu và bước thăng trầm

15/07/2025 - 07:04

 - Từng giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả, thế nhưng giá tiêu lao dốc, sâu bệnh hoành hành khiến không ít người đành ngậm ngùi từ bỏ. Khi giá tiêu nhích lên trở lại, những người còn giữ được vườn tiêu tại An Giang hôm nay chính là những người dám đổi mới, sáng tạo. Họ kết hợp trồng tiêu với nuôi ong, thả cá, làm du lịch… để níu giữ một nghề từng rực rỡ một thời.

Một thời hưng thịnh

Dọc con đường bê tông về xã Vĩnh Hòa Hưng, những trụ tiêu rải rác như đang kể lại câu chuyện về một thời hoàng kim từng làm rạng danh nông nghiệp. Hỏi bất kỳ người dân nào, ai cũng có thể chỉ tay về một vườn tiêu cũ từng là “cây đổi đời”. Ông Nguyễn Trung Hưng, ngụ xã Vĩnh Hòa Hưng là một trong số ít người còn giữ 1.500m2 trồng tiêu. Ông Hưng vừa trải tiêu lên sân phơi vừa kể lại bằng ánh mắt đầy hoài niệm: “Có lúc bán 10kg tiêu mua được 1 chỉ vàng. Mỗi công tiêu, nông dân thu lãi 40 - 70 triệu đồng là chuyện thường. Lúc đỉnh điểm giá tiêu lên tới 230.000 đồng/kg, nhờ tiêu tôi có tiền xây nhà, cho con đi học”.

Nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng chăm sóc hồ tiêu

Từ năm 2014 - 2016, hồ tiêu bước vào thời kỳ vàng son. Tỉnh từng có gần 500ha tiêu, riêng hai xã Hòa Thuận và Vĩnh Hòa Hưng từng có hơn 200ha trồng tiêu, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hàng trăm hộ dân. Một trong những người trồng tiêu thành công lúc ấy là ông Phan Văn Khang, ngụ xã Vĩnh Hòa Hưng. Vườn tiêu 2ha với hơn 5.000 trụ từng mang lại cho ông lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Trồng theo hướng hữu cơ, có hợp đồng bao tiêu rõ ràng với công ty, tưởng như tương lai đã nằm chắc trong tay, nhưng ông Khang nói: “Tôi không ngờ có ngày bỏ trồng tiêu. Lúc giá rớt thê thảm, công ty hủy hợp đồng, thu hoạch tiêu không biết bán cho ai. Cây tiêu nhiễm bệnh chết lần lần, tôi bỏ luôn. Giờ tôi trồng sầu riêng cho đỡ xót ruột”.

Nông dân xã Hòa Thuận thu hoạch tiêu

Hồi sinh nhờ mô hình mới

Từ sau năm 2018, giá tiêu rơi tự do, từng chạm đáy 40.000 đồng/kg. Bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát, không có thuốc trị hiệu quả, tiêu chết từng dây. Nhiều hộ dân đốn bỏ vườn tiêu, chuyển sang trồng hạnh, sầu riêng. Có những xã từng trồng tiêu cả ấp, giờ chỉ còn vài hộ lác đác giữ nghề. Bà Nguyễn Thị Thủy, ngụ xã Vĩnh Hòa Hưng dắt chúng tôi đi giữa vườn tiêu hoang hóa đầy cỏ dại. “Mấy năm liền giá thấp, tôi và mấy hộ trong ấp nản bỏ mặc vườn nên tiêu bệnh chết dần, đến nay gia đình tôi không còn tiêu nữa”, bà Thủy nói.

Từ con số gần 500ha, đến cuối năm 2025 diện tích hồ tiêu toàn tỉnh chỉ còn khoảng 390ha, giảm gần 100ha so với 3 năm trước. Thế nhưng, giữa thời buổi lao đao ấy, vẫn có những người âm thầm giữ vườn tiêu bằng cách làm mới. Tại đặc khu Phú Quốc, bà Lê Thị Yến Tuyết là một ví dụ tiêu biểu. Gia đình bà có hơn 30 công đất trồng tiêu từ năm 1983. Dù trải qua bao biến động, bà Tuyết vẫn kiên trì giữ cây tiêu bằng mô hình sản xuất hữu cơ, dùng xác mắm cá ủ với trấu, kết hợp rau củ lên men để tưới và bón gốc.

“Giờ bán tiêu đen cho khách du lịch 180.000 đồng/kg, tiêu đỏ chín cây phơi khô bán giá từ 280.000 - 300.000 đồng/kg. 3năm nay giá tiêu ổn định nên tôi có lãi trên 400 triệu đồng/năm”, bà Tuyết cho biết. Dù vậy, dịch bệnh vẫn là thách thức lớn, mỗi năm vườn tiêu của gia đình bà Tuyết bị mất từ 100 - 200 trụ vì bệnh tuyến trùng. “Tiêu chết là tôi trồng lại. Giữ nghề, giữ giống, giữ đặc sản Phú Quốc là tâm nguyện cả đời của tôi”, bà Tuyết nói.

Ông Nguyễn Văn Màu, ngụ xã Hòa Thuận nuôi ong trong vườn tiêu

Tại xã Hòa Thuận, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Hòa Phú Nguyễn Văn Màu từng có lúc nản chí, định phá bỏ 1ha vườn tiêu, nhưng nghĩ tới bao công sức, tiền của đã đầu tư, ông đầu tư thêm 10 thùng ong nuôi trong vườn, đồng thời sử dụng phân chuồng tự ủ để tiết kiệm chi phí, giữ vườn chờ ngày hồi sinh. “Giờ tiêu có giá trở lại, hiện bán tại vườn 190.000 đồng/kg tiêu đen. Lợi nhuận chưa phải cao ngất ngưởng như thời hưng thịnh nhưng tôi có lãi khoảng 200 triệu đồng/năm”, ông Màu nói.

Hiện giá tiêu đen tại vườn dao động từ 180.000 - 190.000 đồng/kg, tiêu chín cây phơi khô có giá 300.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Tuy nhiên, nhiều vùng không còn vườn tiêu để hưởng giá tốt do đã phá bỏ từ những năm giá chạm đáy. Ông Nguyễn Văn Màu cho rằng, nếu muốn khôi phục hồ tiêu, chính quyền tỉnh cần hỗ trợ nông dân đầu tư bài bản từ mã số vùng trồng đến hệ thống tưới tự động, chuyển giao quy trình sản xuất hữu cơ. Song song đó, cần tạo mối liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp để đầu ra hạt tiêu bền vững hơn.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH