Phát triển “tam nông” thịnh vượng

26/07/2023 - 05:11

 - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Tỉnh ủy An Giang cụ thể hóa và tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là “bệ đỡ” quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.

“Tam nông” phát triển

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trong từng giai đoạn, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định (giai đoạn 2008 - 2010 tăng 3,81%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 2,6%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 2,7%/năm, giai đoạn từ cuối năm 2019 - 2021 chỉ đạt 1,7%/năm do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản).

Diện tích sản xuất lúa duy trì hơn 600.000ha, sản lượng gần 4 triệu tấn; cây ăn trái gần 21.400ha. Ngành nông nghiệp từng bước chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô hàng hóa lớn và có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư; đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm, xuất khẩu.

Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng. Dân cư nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội. Người dân có điều kiện tham gia, góp sức xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Cuối năm 2022, tỉnh có 3/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM/đạt chuẩn huyện NTM, 68/116 xã đạt chuẩn xã NTM, 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phát huy vai trò “bệ đỡ”

Từ nay đến năm 2030, tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch…

Đồng thời, tri thức hóa và xây dựng năng lực nông dân chuyên nghiệp, giúp nông dân chuyển đổi số. Nông dân An Giang vững tin hội nhập, phấn đấu trở thành “người nông dân thời kỳ 4.0”. Nông dân có khả năng nắm bắt xu thế phát triển, nhạy bén để nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Xây dựng các xã NTM có kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch.              

Phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 2,8 - 3%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân khoảng 5,5%/năm; 73% lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 1,5 lần so năm 2020. Có thêm ít nhất 33 xã NTM, nâng tỷ lệ xã dạt chuẩn NTM đến năm 2025 là 80%; có thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 1 huyện NTM nâng cao…

Từ nay đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 3 - 3,3%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân khoảng 5,5 - 6%/năm; 80% lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1%/năm; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần so năm 2020. Có thêm ít nhất 33 xã NTM, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đến năm 2030 là 98%; trong đó phấn đấu 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 70% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó, phấn đấu 35% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao…

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng giá trị gia tăng. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Đồng thời, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, các ngành dịch vụ phụ trợ và ngành du lịch…

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn theo quy hoạch, gắn với thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, giải quyết việc làm; nâng chất lượng sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, có chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

THU THẢO