Hàng chục năm qua, nho, táo ăn tươi và các sản phẩm chế biến từ hai loại quả này ở Ninh Thuận đã được người dân cả nước biết đến. Mỗi năm, các vườn trồng nho, táo đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người nông dân nơi đây. Năm 2018, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu thành công giống nho mới NH 01-26 và chuyển giao cho nông dân trong tỉnh trồng thử nghiệm. Đến nay, giống nho mới đang khẳng định được ưu điểm hơn hẳn các giống nho truyền thống nên nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích sản xuất. Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là một trong bảy hộ tiên phong trồng giống nho NH 01-26 chia sẻ: “Giống nho mới thích nghi với khí hậu nắng hạn, kháng bệnh tốt. Cây cho quả to, ngọt và có hương thơm đặc trưng. Từ chỗ trồng thử nghiệm vài chục gốc, đến nay gia đình tôi đã nhân rộng diện tích lên 1.200 m2, mỗi năm thu hoạch ba vụ, năng suất từ 9 đến 11 tấn/ha/năm. Với giá bán từ 100 đến 110 nghìn đồng/kg tại vườn, cao gấp 3 đến 4 lần giá nho đỏ trồng trước đây cho nên gia đình tôi có thu nhập khá”.
Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch nho.
Cùng với cây nho, những năm gần đây, cây táo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.020 ha trồng táo, riêng huyện Ninh Phước có hơn 730 ha. Chị Võ Thị Lệ Thủy, thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước đang trồng 1.000 m2 táo xanh, hiện nay đang sinh trưởng rất tốt. Chị Thủy cho biết: “Với năng suất đạt từ 40 đến 50 tấn quả/ha, khi đến thời gian thu hoạch thương lái đến thu mua ngay tại vườn với giá từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí chăm sóc, nông dân lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm”. Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Hữu Đức cho biết: Cây táo là đối tượng thay thế trong chuyển đổi cây trồng ở một số xã trên địa bàn và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho nông dân để phát triển sản xuất theo hướng VietGAP nhằm nâng cao giá trị. Trên địa bàn hiện có hơn 47,5 ha trồng táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Theo thống kê, hết năm 2020, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có diện tích trồng cây ăn quả hơn 187 nghìn ha. Trong đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như thanh long tại Bình Thuận, nho, táo tại Ninh Thuận, xoài ở Khánh Hòa, ngoài ra một số đối tượng như bưởi, sầu riêng đang được mở rộng diện tích. Còn tại vùng Tây Nguyên một số cây ăn quả đang phát triển nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng ở các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông; bơ ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đang được nông dân mở rộng diện tích. Để phát huy hiệu quả loại cây trồng này, thời gian qua, các địa phương ở hai khu vực này đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cây ăn quả. Qua thống kê, thu nhập từ trồng sầu riêng đạt 420 triệu đồng/ha/năm, bơ 335 triệu đồng/ha/năm, bưởi 232 triệu đồng/ha/năm, chuối 235 triệu đồng/ha/năm, măng cụt 218 triệu đồng/ha/năm... Bên cạnh đó, hàng nghìn cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao cho sản xuất ở nhiều địa phương. Hơn nữa, nhiều giống cây ăn quả mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất như: thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng, sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona, chanh leo Đài Nông 1…
Nhằm phát huy hiệu quả vùng cây ăn quả khu vực phía nam, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, thời gian tới các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát thực hiện đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, các địa phương cần tiếp tục triển khai kế hoạch chi tiết sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây để bảo đảm đầu ra cho nông dân. Cơ quan chuyên môn các địa phương cần tăng cường dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên cây ăn quả để hướng dẫn người sản xuất phòng trừ kịp thời bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng; hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong nội và ngoại tỉnh; từng bước đưa các sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử; các địa phương cần tiếp tục rà soát tình hình sản xuất cây ăn quả trên địa bàn; xác định các đối tượng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế phát triển phù hợp với đất đai, điều kiện sinh thái. Trên cơ sở rà soát, đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển bền vững, đặc biệt không phát triển các đối tượng cây trồng ngoài vùng quy hoạch.
Theo Báo Nhân Dân