Phiền phức từ loa karaoke di động

28/11/2023 - 06:27

 - Tiện lợi, giá rẻ nên hát bằng loa karaoke di động, micro tích hợp loa… đang trở nên phổ biến. Thế nhưng một số người dân còn thiếu ý thức, hát với âm thanh quá lớn và hát không kể giờ giấc nghỉ ngơi, gây phiền toái, thậm chí bức xúc đối với nhiều người.

Loa karaoke di động, micro tích hợp loa được bày bán rất nhiều

Hiện nay, loa karaoke di động, micro tích hợp loa được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng điện tử. Các thiết bị này gọn nhẹ, có kết nối bluetooth với điện thoại thông minh, máy tính bảng trong phạm vi khoảng 10m. So với các thiết bị cùng loại, loa di động có giá rẻ, chủng loại phong phú nên ngày càng có nhiều người mua để phục vụ nhu cầu giải trí.

Với sự thuận lợi đó mà nhiều người đã mua bộ loa di động để đáp ứng nhu cầu giải trí, “khoe” giọng hát mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ tại các nhà hàng, quán nhậu mà ngay cả những gia đình “có máu văn nghệ” cũng tự mua loa karaoke di động, micro tích hợp loa để hát tại nhà. Từ đám cưới, tiệc tùng, tân gia, họp mặt, liên hoan... phần lớn đều có tiết mục hát karaoke.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hát karaoke có phòng cách âm hoặc hát nhạc có chừng mực với âm thanh vừa phải, ít ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít trường hợp sử dụng âm thanh từ loa karaoke di động, micro tích hợp loa một cách quá mức, âm thanh mở hết cỡ gây phiền phức cho hàng xóm, nhất là các gia đình có người già, trẻ em, người bệnh… cần được nghỉ ngơi, yên tĩnh.

“Bà con ở quê, không có nhiều điều kiện giải trí nên việc ca hát, văn nghệ để thư giãn có thể thông cảm. Tuy nhiên, hát mà âm thanh lớn quá, một người hát cả xóm nghe, không kể giờ giấc, gây ồn ào thì không ai chịu nổi” - ông Nguyễn Hữu Danh (huyện An Phú, tỉnh An Giang) bức xúc.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) phàn nàn: “Tôi sợ lắm cái kiểu hát karaoke thế này, có nhà hát từ trưa đến tối. Thỉnh thoảng, ca hát cũng vui nhưng 2 - 3 ngày lại hát ầm ĩ, nhất là những chỗ nào có nhậu nhẹt xôm tụ là lát sau có những tiếng hát lẫn tiếng “hét” cất lên”.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, sau khi nhậu “đủ hứng” là một số chủ nhà đam mê ca hát lại đem loa karaoke di động, micro tích hợp loa bật với âm thanh cực lớn để “trình diễn”. Vừa ăn, vừa cụng ly, vừa liên tục chọn bài hát. Hết “Đắp mộ cuộc tình”, đến “Tình cha” rồi “lên nóc nhà là lên nóc nhà”… Những “giai điệu quen thuộc” được các “giọng ca” cất lên từ lúc cuộc nhậu bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Thi thoảng, giữa những khoảng hát đó là những tiếng hét khiến nhiều người ở nhà cạnh bên giật mình. Thông thường, các cuộc nhậu kèm cuộc hát diễn ra xuyên suốt từ trưa đến tối, khiến nhiều gia đình không thể nghỉ trưa dù đã kéo kín cửa để hạn chế tối đa sự ồn ào.

“Ở quê, nhà cửa xây dựng đơn giản, ít được đầu tư cách âm, thành ra âm thanh bên ngoài dội tới mọi nơi trong nhà. Thương nhất là những gia đình có người già, người bệnh và trẻ em, muốn nghỉ ngơi cũng không được. Càng uống say họ càng hát, càng hát thì càng to, sai tông lạc nhịp… quá khủng khiếp” - chị Nguyễn Thị Lan Thanh (huyện Phú Tân) lắc đầu ngao ngán.

Việc ca hát bất chấp giờ giấc, không quan tâm đến giờ nghỉ trưa, giờ học hành, giờ ngủ của hàng xóm là điều khiến những cuộc vui dễ trở thành nỗi chán ngán của mọi người. Như hoàn cảnh của anh Trần Văn Sáng, là công nhân đi làm và ở trọ tại TP. Long Xuyên.

Anh Sáng cho biết, vào những ngày cuối tuần, khu vực các dãy nhà trọ lúc nào cũng náo động bởi nhiều giọng hát “kinh khủng”, phát ra từ loa di động của những người thuê trọ. Mà toàn hát những giờ dành để nghỉ ngơi, từ trưa đến chiều tối. Đủ lý do để hát, thậm chí không có lý do gì, buồn quá cũng rủ nhau hát.

“Vào ngày cuối tuần, muốn được yên tĩnh một chút nhưng bị hàng xóm làm phiền khi tổ chức ăn nhậu rồi hát karaoke ầm ầm. Tôi còn trẻ mà không chịu đựng được huống chi mấy người lớn tuổi, sức khỏe yếu cần nghỉ ngơi” - anh Sáng chia sẻ.

Ca hát và thưởng thức âm nhạc là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Việc tổ chức ca hát góp phần vào phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương, đáp ứng niềm đam mê, nhu cầu thụ hưởng âm nhạc của nhiều người. Tuy nhiên, để ca hát đi vào nền nếp, mang lại thiện cảm tốt đẹp trong lòng mọi người, các địa phương và ngành chức năng cần chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Bản thân từng người nên tự nâng cao ý thức, ca hát và giải trí phù hợp, không gây mất trật tự, không làm ảnh hưởng đến người khác để cùng nhau thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, văn minh.

TRỌNG TÍN