Phú Tân hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

05/01/2022 - 06:14

 - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp người dân (đặc biệt chủ thể có sản phẩm là thế mạnh của địa phương) huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) được phát huy lợi thế, phát triển thương hiệu. Cùng với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn cấp tỉnh và huyện, sản phẩm OCOP được tiêu thụ, quảng bá, đi tới người tiêu dùng một cách rộng rãi.

Sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao

Nâng tầm sản phẩm

Sản phẩm chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị (Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản Thanh Tùng) được UBND huyện Phú Tân chứng nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2020. Đồng thời, UBND tỉnh chứng nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Sản phẩm có lượng tiêu thụ hàng năm 23 tấn, tăng khoảng 10% so trước khi được công nhận OCOP. Vùng nguyên liệu 2ha tăng sản lượng nuôi lên 5 tấn/năm (từ 45 tấn lên 50 tấn/năm).

Ông Nguyễn Thanh Tùng (chủ thể sản phẩm) cho biết, ngành chuyên môn huyện hỗ trợ công ty về mặt thủ tục, hỗ trợ vốn từ chương trình nông thôn mới hơn 165 triệu đồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nuôi cá nàng hai. Từ thuận lợi đó, cơ sở mở rộng, nâng cấp và tham gia gói sản phẩm, tiêu thụ nhiều nơi, xây dựng được một số đại lý phân phối ngoài tỉnh.

Còn sản phẩm nước cốt dâu tằm (Cơ sở Ngọc Thái) được UBND huyện chứng nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020. Sau khi được công nhận OCOP, sản lượng sản xuất rượu dâu tằm đã tăng từ 500 chai lên 600 chai/tháng (tăng 20% so trước). Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cơ sở thực hiện dự án “Ứng dụng hệ thống tưới tự động trong mô hình trồng dâu tằm lấy quả đạt tiêu chuẩn VietGAP”, kinh phí hơn 212 triệu đồng. Chị Lê Thị Thảo (chủ cơ sở) khẳng định, từ khi sản phẩm được công nhận OCOP, khách hàng đón nhận nhiều hơn, phân phối rộng thị trường, kể cả có mặt trong một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở các tỉnh lân cận. Cơ sở dự tính sẽ mở rộng vùng nguyên liệu thêm 0,6ha để tăng sản lượng sản xuất.

Tiếp tục phát triển

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, đến nay, huyện có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Trong đó, 3 sản phẩm được công nhận năm 2020, gồm: Chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị, rượu dâu tằm. Năm 2021, có 2 sản phẩm được công nhận đánh giá đợt 1 là nước cốt dâu tằm và siro atiso đỏ.

Các sản phẩm được công nhận OCOP, sản phẩm làng nghề và sản phẩm đặc trưng, thế mạnh địa phương thường xuyên tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Ngoài ra, huyện còn đưa sản phẩm tham gia hội chợ, hệ thống siêu thị và sự kiện liên quan khác do tỉnh, thành phố lân cận tổ chức. Riêng sản phẩm OCOP được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thực hiện các combo quà phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Năm 2021, toàn huyện có 7 xã đăng ký 11 sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phối hợp ngành chuyên môn; mời Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh khảo sát, đánh giá khả năng của từng sản phẩm, để hướng dẫn thực hiện hồ sơ tham gia.

Trước mắt, huyện hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020 nâng cao chỉ tiêu còn thấp điểm, tham gia đánh giá nâng hạng sản phẩm nếu đủ điều kiện. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư, đổi mới, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra đơn vị sản xuất sử dụng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ, tư vấn hướng dẫn khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm...

Huyện đang chuẩn bị điều kiện để hỗ trợ sản xuất, tạo lập, phát triển thương hiệu, hỗ trợ hoạt động thương mại, tiêu thụ cho sản phẩm nếp Phú Tân trong năm 2022 (theo Chương trình phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2026 và định hướng đến năm 2030). Đồng thời, phối hợp quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ kinh doanh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

MỸ HẠNH