Quản lý chất lượng thực phẩm nông, lâm, thủy sản

29/04/2024 - 07:46

 - Những năm qua, công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao. Việc thông tin, tuyên truyền; thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát thực phẩm được thực hiện liên tục, thường xuyên.

Trong năm 2023, ngành nông nghiệp ban hành 439 văn bản chỉ đạo, điều hành; cấp mới, cấp lại 267 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD). Ngoài ra, đơn vị tiếp nhận 324 bản tự công bố sản phẩm của 135 cơ sở chế biến thực phẩm nông, thủy sản; cấp 6 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (bưởi da xanh, nấm rơm, chuối sấy, bò viên, khô cá sặc rằn, mật ong).

Công tác giám sát ATTP, hậu kiểm luôn được quan tâm, triển khai với nhiều nội dung, hình thức, như: Giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; thu mẫu giám sát phân tích các chỉ tiêu sản phẩm nông, thủy sản. Đặc biệt, ngành tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm

Theo ông Trần Thanh Hiệp, ngành nông nghiệp tiến hành kiểm tra thực tế tại 49 cơ sở SXKD; lấy 50 mẫu sản phẩm. Qua đó, ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 cá nhân, tổng tiền phạt 255 triệu đồng. Đối với lĩnh vực thú y, ngành xét nghiệm Salbutamol đối với 80 mẫu, kết quả đều âm tính.

Trong lĩnh vực thủy sản, tiến hành kiểm tra 30 cơ sở nuôi trồng, SXKD giống thủy sản, không phát hiện vi phạm. Sở NN&PTNT An Giang tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương trong “Tháng hành động vì ATTP”; phối hợp Sở Y tế kiểm tra liên ngành 21 cơ sở, trong đó 7 cơ sở thuộc lĩnh vực do ngành nông nghiệp quản lý. Kết quả, 7 cơ sở đều tuân thủ quy định pháp luật về ATTP.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, vẫn còn một số khó khăn trong công tác quản lý ATTP. Điển hình như, hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành, công tác hậu kiểm chưa thường xuyên, chủ yếu vào ngày lễ, Tết. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở SXKD không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tương đối nhiều, đa dạng, gây khó khăn cho cán bộ chuyên trách. Ý thức của một số chủ cơ sở chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ, chạy theo lợi nhuận trước mắt... ảnh hưởng đến công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản.

Phát huy kết quả đạt được, đồng thời tháo gỡ tồn tại, hạn chế, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn. Phấn đấu 100% văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP được ban hành đúng kế hoạch, yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Trên 85% cơ sở chế biến thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng, ATTP; 95% cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu 65% cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định ATTP; chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 10% so năm 2023… Lũy kế từ 50 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên được công nhận 3 sao; 100% thủ tục hành chính về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện đúng thẩm quyền, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp, đơn vị được giải quyết trước hạn, đúng hạn…

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ trọng tâm được ngành nông nghiệp đưa ra. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách; rà soát đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về đảm bảo chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục chỉ đạo, điều hành, gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP trong SXKD, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm thủy, sản an toàn; tổ chức sản xuất, hỗ trợ kết nối SXKD sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Mặt khác, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này; chế biến và xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản chất lượng, ATTP; giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm...

ĐỨC TOÀN