Quốc hội Phần Lan thông qua dự luật gia nhập NATO

02/03/2023 - 19:21

Với tỷ lệ 184 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 1 phiếu trắng, ngày 1/3, Quốc hội Phần Lan đã thông qua dự luật cho phép quốc gia Bắc Âu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố, ngay sau bước này, ông sẽ sớm ký ban hành dự luật trên thành luật.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu tại Quốc hội Phần Lan về dự luật gia nhập NATO tại Helsinki, Phần Lan, ngày 1/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Mục tiêu của Phần Lan là hoàn tất quy trình lập pháp về việc gia nhập NATO vào cuối nhiệm kỳ hiện nay của Thủ tướng Sanna Marin. Trước đó, vào tháng 2/2022, với tỷ lệ đa số phiếu thuận (188/8), Quốc hội Phần Lan đã chấp nhận đơn xin gia nhập NATO.

Phần Lan từng duy trì chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, vào tháng 5/2022 quốc gia Bắc Âu này đã cùng nước láng giềng Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Việc kết nạp vào NATO yêu cầu một nước nhận được sự ủng hộ từ tất cả các nước thành viên trong liên minh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28 trong tổng số 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Hai nước thành viên chưa nhất trí việc kết nạp là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi là trở ngại lớn hơn.

Bằng cách thông qua các văn kiện mở đường cho việc gia nhập NATO, Phần Lan được cho là đã có lợi thế hơn so với nước láng giềng Thụy Điển - quốc gia cũng đã nộp đơn xin gia nhập nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ từ chối. Về phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẵn sàng đồng ý để Phần Lan gia nhập NATO song lại phản đối Thụy Điển vì cho rằng nước này đang chứa chấp những đối tượng mà Ankara coi là thành viên của các nhóm khủng bố.

Đài truyền hình quốc gia Yle cho biết Quốc hội Phần Lan muốn hoàn tất cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập NATO trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cuộc bỏ phiếu ngày 1/3 tại Quốc hội cũng là một thủ tục cần thiết trong bối cảnh nghị sỹ Markku Mustajarvi, thuộc Liên đoàn Cánh tả, đã đệ trình một sáng kiến chống lại tư cách thành viên NATO.

Đồng quan điểm, nghị sỹ Johannes Yrttiaho cho rằng, vấn đề lớn nhất để trở thành thành viên của NATO đó là việc Phần Lan phải chấp thuận chính sách vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh, đồng thời từ bỏ quy chế phi hạt nhân một cách hiệu quả.

Liên quan tới vấn đề này, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã phát biểu trước Quốc hội rằng, những quyết định xoay quanh Đạo luật NATO không làm thay đổi lập trường của Phần Lan cũng như những khuôn khổ pháp luật của Phần Lan về vũ khí hạt nhân.

Theo đài truyền hình quốc gia Yle, Ngoại trưởng Haavisto tin rằng cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ là thành viên của NATO vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) vào mùa Hè tới.

Theo Đảng Cộng Sản