Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, theo Phật giáo, lễ này có thể kéo dài suốt tháng, luân phiên tổ chức qua các chùa, tịnh xá, tịnh thất… để Phật tử đến cúng bái.
Đặc trưng trong lễ Vu Lan là nghi thức cài hoa lên ngực áo, mỗi màu mang một ý nghĩa khác nhau cho từng người còn cha mẹ hay đã mất. Bên cạnh đó, đa phần người dân sẽ đi chùa để cầu bình an cho cha mẹ, ông bà, cũng như của cả gia đình.
Tưởng nhớ ông bà, dù cuộc sống bận rộn, người dân sẽ dành thời gian ra chợ để sắm chút lễ vật giản đơn, như: Hoa, trái cây, chè, xôi. Các hoạt động này vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa xã hội, là sự kết hợp giữa giáo lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.
Một trong những việc người ta thường làm trong rằm tháng 7 là ăn chay. Vì vậy, các món ăn chay được chế biến sẵn vào dịp này rất hút khách, kể cả những quán ăn mặn chuyển “bắt nhịp” tạm bán món chay trong 2 ngày cao điểm.
Phong phú, bắt mắt và tiện lợi, các món chay, chè, bánh…, được chế biến số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách mà không phải chờ lâu.
Nhiều gia đình còn chú trọng làm các việc thiện qua việc giúp đỡ người nghèo, phát đồ ăn miễn phí, phóng sinh… mong muốn tạo công đức để hồi hướng cho ông bà cha mẹ đã khuất.
Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo, mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.
MỸ HẠNH