Sai sao không sửa?

23/05/2019 - 09:34

 - Trả lời báo chí về phản ứng của giới tài xế khi phải trả tiền “oan” qua trạm BOT T2 để đi cầu Vàm Cống, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật khẳng định đã lường trước được sự việc này từ trước khi thông xe cầu Vàm Cống?

Trạm thu phí BOT T2

Sau khi thông xe cầu Vàm Cống, phản ứng của cánh tài xế qua trạm thu phí BOT T2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) ngày càng gay gắt. Một số tài xế lưu thông hướng An Giang đi TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang và ngược lại thường xuyên dừng xe tại các làn thu phí, không đồng ý mua vé vì cho rằng, chỉ sử dụng có vài trăm mét Quốc lộ (QL) 91 (đoạn nâng cấp) nhưng phải đóng phí toàn tuyến là không hợp lý. Có nhiều lúc, xe dừng nhiều khiến giao thông ùn tắc, các cơ quan chức năng phải vận động, thuyết phục để thông xe.

Trở lại câu chuyện trạm BOT T2, có sự cố tình làm sai thấy rõ khi đặt trạm tại Km50+050 QL91. Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp QL91 (đoạn thuộc địa phận TP. Cần Thơ) được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án do liên doanh Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) và Công ty Cổ phần Phát triển Cường Thuận Idico (được Bộ GTVT chỉ định) làm nhà thầu. Đầu năm 2016, dự án hoàn thành và trạm thu phí BOT T1 được đặt tại Km 16+905 QL91 (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) để hoàn vốn. Đến giữa năm 2015, liên doanh Sonadezi và Cường Thuận Idico khởi công dự án tăng cường 15km mặt đường QL91B theo hình thức BOT. Cuối năm 2016, khi dự án này hoàn tất, Bộ GTVT có quyết định lập trạm thu phí BOT T2 tại khu vực Thới Hòa 1 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt). Tổng mức đầu tư 2 dự án nâng cấp QL91 và QL91B là 1.720 tỷ đồng, thời gian thu phí là 23,5 năm, mức phí thu từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt xe.

Điểm bất hợp lý của trạm BOT T2 là đặt ở cuối QL91, ngay sát nút giao của QL80 từ Kiên Giang lên. Do vậy, xe đi từ QL80 vào An Giang và ngược lại bắt buộc phải nộp phí toàn tuyến dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn trên tuyến nối BOT. Đầu tháng 12-2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Tuy nhiên, tới nay, chủ đầu tư chỉ xác định danh sách đối tượng miễn, giảm phí qua trạm BOT T2, còn việc dời trạm thì không thấy nhắc tới.

Rõ ràng, cầu Vàm Cống đã thông, miễn phí qua cầu nhưng trạm BOT T2 vẫn cứ tồn tại theo kiểu tận thu đối với các phương tiện từ An Giang đi TP. Hồ Chí Minh. Việc cứ để trạm BOT T2 tồn tại sau khi thông cầu Vàm Cống là rất khó hiểu. Phản ứng quyết liệt của tài xế là chuyện hiển nhiên.

N.H