Sản xuất công nghiệp vẫn tăng dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

06/06/2021 - 14:54

Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp tháng 5 cũng đã chậm lại và bằng một nửa so với tốc độ tăng 22,2% của tháng 4.


Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Yên Phong. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%).

Trong các ngành công nghiệp, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước đó là: sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 18,3%… Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm; đó là: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 5,1%; khai thác than cứng và than non giảm 3,8%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 1,6%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; sơn hóa học tăng 14,6%... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,1%; phân u rê giảm 10,8%; dầu mỏ thô khai thác giảm 9,5%; xăng, dầu các loại giảm 9,3%...

Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, khẩn trương triển khai Quyết định 221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; trong đó, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, hình thành các nền tảng số về logistics nhằm cắt giảm chi phí; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Cùng với đó, các ngành cần tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai, sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, rà soát các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước…

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01-5-2021 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2% và giảm 2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 3,2%.

Theo THÚY HIỀN (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích