Sản xuất trồng trọt giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng

08/07/2022 - 14:23

 - Sáng 8/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2022 tại Nam Bộ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị sơ kết

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ hè thu 2022, tổng diện tích lúa xuống giống toàn vùng Nam Bộ là 1.575.000ha, giảm 20.000ha, do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hàng năm, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất lúa ước đạt hơn 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 9 triệu tấn, giảm 13.000 tấn so vụ hè thu 2021. Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống lúa đạt 1.493.000ha, năng suất lúa ước đạt hơn 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.530.000 tấn; vùng Đông Nam Bộ xuống giống lúa đạt 82.000ha, năng suất ước đạt hơn 56 tạ/ha, sản lượng đạt 465.000 tấn.

Quan điểm chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giảm giống gieo sạ, phòng trừ dịch hại, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm với mục tiêu giảm giá thành và nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa chủ động đối phó với diễn biến giá cả thị trường trong nước và xuất khẩu, vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường khó tính.

Theo đó, các tỉnh, thành phố cần sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt và đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua, giống lúa trong vùng nguyên liệu, “Cánh đồng lớn”, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và liên kết đồng bộ với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa trong và ngoài nước.

Các địa phương phải thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước phục vụ sản xuất, sự phát sinh, phát triển của dịch hại để bố trí thời vụ xuống giống thích hợp dựa trên nguyên tắc tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng. Cần khai thác có hiệu quả các nguồn lực phục vụ sản xuất lúa, đẩy mạnh cơ giới hóa trong gieo cấy, thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ. Tăng cường chỉ đạo rải vụ thu hoạch 5 loại cây ăn trái chủ lực tại Nam Bộ, gồm: Thanh long, chôm chôm, sầu riêng, xoài, nhãn và mở rộng sang một số loại cây ăn trái có tiềm năng.

MỸ LINH – DUY ANH