Sáng 13/3, trong khuôn viên sân của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) hai mẫu “buồng khử khuẩn” đã được trưng bày để trải nghiệm.
Bước vào buồng khử khuẩn này, mỗi người sẽ được "lắc lư" theo bài hát “Ghen Cô Vy” (một sản phẩm cũng của Viện thực hiện) vang lên vui vẻ. Chỉ khoảng 30 giây từ lúc bước vào đến lúc ra, người dùng đã được "khử" tới 99,98% các loại virus, vi khuẩn gây bệnh có mặt trên quần áo, cơ thể. Mũi họng cũng sẽ được sát khuẩn cùng lúc, không độc hại.
Chia sẻ về sản phẩm hữu ích này, PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết: "Sản phẩm được chúng tôi lên ý tưởng và gấp rút lắp đặt, thực hiện để sẵn sàng đưa vào hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ Viện nói riêng và hướng tới lan rộng mô hình này tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác nói chung, với mong muốn chung tay cùng Bộ Y tế và các địa phương phòng chống hiệu quả dịch COVID-19".
Thiết bị buồng khử khuẩn toàn thân hiện được thiết kế với 2 mô đun: Một mô đun thiết kế với muối ion phun dạng mù sương diệt khuẩn và một mô đun thiết kế khô với công nghệ diệt khuẩn bằng nhiệt và tia UV ở ngưỡng an toàn.
Chia sẻ về quá trình chế tạo thiết bị này, PGS.TS Doãn Ngọc Hải cho biết: “Quá trình chung tay cùng phòng chống dịch COVID-19, chúng tôi thấy rằng rất cần có một sản phẩm để hỗ trợ cho nhân viên y tế, cán bộ phòng dịch, thậm chí người dân ở các khu vực có thể sát khuẩn toàn thân khi đi đến những khu vực nguy cơ có mầm bệnh. Đặc biệt hiện nay phần lớn để diệt khuẩn toàn thân chúng ta vẫn đang sử dụng việc phun CloraminB lên người. Tuy nhiên chất này có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người".
Qua nghiên cứu và nhận thấy, hiện có 4 công nghệ khử khuẩn chủ yếu là: Dùng tia UV, bằng Ozon, bằng nhiệt và dung dịch khử khuẩn. "Chúng tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ áp dụng cả 4 công nghệ này để có được thiết bị khử khuẩn toàn thân hiệu quả, an toàn”, PGS.TS Doãn Ngọc Hải cho hay.
Vì cần sự nhanh chóng để phục vụ phòng dịch, từ giữa tháng 2, các cán bộ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã trao đổi với các nhà nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội về ý tưởng thiết bị này.
Sau khi lên ý tưởng, các chuyên gia của Viện sức khỏe nghề nghiệp và các nhà nghiên cứu trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt tay vào làm trên tinh thần khẩn trương. Ưu điểm là các thiết bị này không phải nhập công nghệ từ nước ngoài mà hoàn toàn chủ động được trong nước.
Cụ thể, nước muối ion là sản phẩm Viện tự sản xuất được, đây là loại chất diệt khuẩn tương tự như CloraminB nhưng có độ oxy hóa cao hơn, nên khả năng diệt khuẩn còn cao hơn CloraminB. Bên cạnh đó, vỏ thiết bị và hệ thống điện sử dụng là do các kỹ sư Đại học Bách khoa tự chế tạo, giá trị đầu tư không nhiều.
Đây là "phát minh" của các cán bộ thuộc Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (SKNN&MT) nhằm giải quyết vấn đề phòng trừ các tác nhân lây nhiễm bệnh khu vực đông người.
Hệ thống được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng sương phun toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể.
Cấu thành chính của hệ thống là một máy phun dung dịch sương mù 360 độ kết hợp với cảm biên hồng ngoại lắp đặt bên trong buồng giúp tự động kích hoạt quá trình phun khử khuẩn khi phát hiện có người đi qua.
Chỉ mất từ 15 - 20 giây để một người được “làm sạch” toàn thân trước khi đi vào khu vực phòng khám.
Hệ thống sau khi lắp đặt hoàn chỉnh có thể đáp ứng công suất khử khuẩn lên tới 1000 người/ngày.
Khoa Xét nghiệm - phân tích đã tiến hành các nghiên cứu cho thấy trên 90% các loại vi khuẩn, virus bám trên bề mặt cơ thể, quần áo... đã bị loại bỏ hoàn toàn sau khi đi qua buồng.
Theo LÊ PHÚ (Báo Tin tức)