Sẽ đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng

09/05/2023 - 08:21

Sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) là 2 sân bay quân sự được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng (phục vụ dân dụng và quân sự) theo tờ trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GT-VT trình Thủ tướng Chính phủ.

Sân bay Biên Hòa được Bộ GT-VT đưa vào quy hoạch khai thác lưỡng dụng giai đoạn 2021-2030. Ảnh: P.Tùng

Việc sân bay Biên Hòa được khai thác lưỡng dụng sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Đồng Nai nói chung cũng như các địa phương xung quanh khu vực sân bay này nói riêng.

* Đề xuất khai thác lưỡng dụng trước năm 2030

Mới đây, Bộ GT-VT đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong thời kỳ 2021-2030 cả nước sẽ hình thành 30 sân bay. Đáng chú ý, đến năm 2030, sẽ có một số sân bay mới được hình thành trong đó có sân bay Biên Hòa. Đây là một trong 2 sân bay quân sự được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng.

Sân bay Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, cách TP.HCM khoảng 30km. Hiện nay, sân bay Biên Hòa đang được giao cho Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn 370 (Bộ Quốc phòng) quản lý sử dụng.

Tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác triển khai các sân bay Thành Sơn và Biên Hòa để có cơ sở xem xét việc chuyển các sân bay quân sự này thành các sân bay lưỡng dụng. Đến tháng 2-2023, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GT-VT về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, với đề xuất chuyển 2 sân bay quân sự Biên Hòa, Thành Sơn sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không, căn cứ kết quả nghiên cứu bổ sung của tư vấn, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội Biên Hòa, Thành Sơn vào quy hoạch hệ thống sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất điều kiện để chuyển đổi 2 sân bay trên là thu hút được nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Theo các chuyên gia, sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả 2 sân bay cùng hoạt động.

Hiện nay, sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn 2 đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay… Để khai thác lưỡng dụng, sân bay này chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… để tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.

* Quy hoạch sớm để tận dụng tối đa lợi thế

Việc sân bay Biên Hòa được đưa vào quy hoạch để khai thác lưỡng dụng sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực xung quanh sân bay này.

Tại buổi làm việc để nghe báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cũng đã đề nghị, liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu, đánh giá về tác động của sân bay Biên Hòa khi được khai thác lưỡng dụng đến các địa phương xung quanh, trong đó có H.Vĩnh Cửu.

Tương tự, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho rằng, với việc sân bay Biên Hòa đang được triển khai nghiên cứu để quy hoạch khai thác lưỡng dụng, thì việc nghiên cứu, đánh giá các tác động cần được triển khai ngay từ thời điểm hiện tại.

Một trong những vấn đề “nóng” khi sân bay Biên Hòa được khai thác lưỡng dụng chính là hệ thống giao thông kết nối. Bởi trên thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay của TP.Biên Hòa đang ở trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy, việc có thêm một sân bay được khai thác dân dụng, áp lực về quá tải giao thông đối với TP.Biên Hòa sẽ càng lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của TP.Biên Hòa hiện nay chưa đủ để “chào đón” thêm một sân bay lưỡng dụng. “Hạ tầng giao thông của TP.Biên Hòa hiện chưa “gánh đủ” nhu cầu của thành phố nên khi có thêm sân bay lưỡng dụng thì cần nghiên cứu quy hoạch thật quy cũ để đáp ứng nhu cầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Đồng Nai cũng yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu quy hoạch các tuyến giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải khi sân bay Biên Hòa được khai thác lưỡng dụng. Đồng thời, cần đánh giá hết các tác động của sân bay Biên Hòa khi khai thác lưỡng dụng để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển.

Sân bay Biên Hòa được Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch có công suất 5 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tăng công suất lên 10 triệu hành khách/năm.

 

Theo PHẠM TÙNG (Báo Đông Nai)