Sinh viên nhận những phần quà động viên tinh thần khi ở lại ký túc xá làm việc xuyên Tết
Năm nay là lần đầu tiên bạn Nguyễn Chí Thanh, sinh viên năm 4, ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) ở lại ký túc xá xuyên Tết để làm thêm. Suốt thời gian gắn bó ở giảng đường đại học, Thanh chăm chỉ và phát huy tính nhanh nhẹn của mình, làm nhiều việc để có tiền trang trải học tập.
“Quê em ở xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), nhà chỉ có ít đất ruộng đủ sống. Sau Tết, em có lịch thực tập đi hướng dẫn tour xuyên Việt kéo dài 21 ngày, chi phí rất cao và phải tự túc. Tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết, buổi sáng em làm phục vụ ở quán cà-phê, từ trưa chuyển sang làm shipper Shopee Food, buổi tối tiếp tục chạy “xe ôm” sinh viên. Tùy lượng khách, trung bình em kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày; cao điểm ngày Tết, thù lao tăng cao hơn 2 - 3 lần” - Thanh chia sẻ.
Với bạn Lê Nhật Hà (sinh viên năm 3, ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐHAG), đây là cái Tết thứ 2 ở lại ký túc xá để làm thêm. Không mạnh mẽ như các bạn, cô sinh viên thỏ thẻ rằng rất nhớ nhà nhưng phải cố gắng để lo tiền trang trải cho năm học cuối. Mẹ mất sớm, cha có gia đình mới, từ nhỏ Nhật Hà sống bên ngoại, có thể lo cho em vào đại học đã là nỗ lực lớn của gia đình.
“Ông bà ngoại mất mấy năm nay, chỉ còn các dì đùm bọc, ai cũng gọi em về quê ăn Tết. Trong lòng có chút buồn nhưng em cố làm việc những ngày này, giúp gia đình nhẹ lo phần nào chi phí. Mỗi ngày; em có 2 ca làm ở quán cà-phê, tính công 15.000 đồng/giờ, vào cao điểm Tết được tăng gấp 3. Mấy ngày Tết ngắn ngủi, thầy cô tại trường và ký túc xá đều động viên, tặng quà cho những sinh viên ở lại” - Nhật Hà bộc bạch.
Đa phần sinh viên về quê sum họp cùng gia đình, rồi lại háo hức trở lại thành phố mang theo rủng rỉnh đồ đạc, quà quê. Dù cảm giác chạnh lòng, cô đơn, mỗi bạn trẻ đều có lý do níu chân ở lại với công việc. Buổi gặp cuối năm của các sinh viên đặc biệt thêm phần ấm lòng khi được các thầy cô thăm hỏi, động viên.
Có em quê ở tỉnh Kiên Giang, đường về đã xa, mà căn nhà nằm giữa đồng sâu heo hút, không có điện. Có em quê ở huyện đầu nguồn An Phú, huyện miền núi Tri Tôn, hoặc gần nhất là huyện Chợ Mới, nhưng cần tiền trang trải cho việc học nên sẵn sàng chọn làm thêm thay vì nghỉ ngơi, chơi Tết… Không phải ai cũng có điều kiện đoàn viên hạnh phúc bên gia đình, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, để lại trong lòng một khoảng trống, nỗi nhớ nhà, người thân…
“Giả sử nếu là những sinh viên đang du học thì sao? Không chỉ xa nhà mà còn xa quê hương, xa không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Đôi khi, chính hoàn cảnh đó là động lực để các em rèn luyện bản lĩnh, phấn đấu tốt hơn, trưởng thành vững vàng hơn các bạn khác. Gác lại khoảng trống trong lòng khi rời xa vòng tay cha mẹ, các em vẫn còn có bạn bè, thầy cô xung quanh luôn kề cận quan tâm”.
Đó là mở lời của Hiệu trưởng Trường ĐHAG Võ Văn Thắng khi trò chuyện cùng các sinh viên ở lại ký túc xá. Ông cho rằng, lựa chọn của các em là một sự can đảm, thể hiện quyết tâm lớn. Trong khi đa số sinh viên ra trường thường bị đánh giá là “gà công nghiệp”, thì những sinh viên có trải nghiệm thực tế, biết ứng xử trước những khó khăn trong môi trường việc làm… chắc chắn luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn những bạn khác.
“Tôi đã chứng kiến nhiều em học giỏi, điểm cao, nhưng khi vào việc thực tế lại gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, những em đã trải qua các việc làm thêm, ngoài thu nhập còn trang bị cho bản thân kỹ năng mềm, bắt nhịp công việc khá tốt, vững vàng tinh thần. Với lý do chính đáng của mình, đây là cơ hội cho các em học hỏi thêm kinh nghiệm từ những nơi mình làm việc. Đồng thời phải tỉnh táo, không vì nhu cầu việc làm mà có thể trở thành nạn nhân của lừa đảo. Vốn sống sau năm tháng làm thêm là “điểm cộng” trong lý lịch xin việc của các em sau này” - Hiệu trưởng Trường ĐHAG Võ Văn Thắng nhắn nhủ.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ký túc xá Trường ĐHAG Phan Thị Kim Ngân cho biết, hàng năm, đa phần sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn sẽ đăng ký ở lại làm thêm xuyên Tết. Trong đó, một số em do cha mẹ đi làm xa không có điều kiện đoàn tụ, những em khác quyết định ở lại làm thêm các việc thời vụ, bởi đây là dịp được trả thù lao khá cao. Sau khi nắm danh sách, sắp xếp chỗ ở, ký túc xá tạo điều kiện cho các em an tâm, đảm bảo giờ giấc đi làm…
Tết năm nay, có 23 sinh viên đăng ký ở lại. Ngoài hỗ trợ mỗi em một phần quà, ký túc xá còn tổ chức cho các em gặp gỡ hiệu trưởng để được động viên tinh thần, nhận lì xì. Từ thông tin của Hiệu trưởng Trường ĐHAG Võ Văn Thắng, UBMTTQVN tỉnh còn trao đến mỗi sinh viên phần quà gồm gạo và bánh.
MỸ HẠNH