Những năm gần đây, Sơn La đang tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình tham gia đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm vùng nguyên liệu sản xuất rau sạch của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc - một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Sơn La.
Phát huy những lợi thế sẵn có, Sơn La đã đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi vốn là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và nhu cầu thị trường, trong đó, kết hợp tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xếp ở trị trấn Nông trường Mộc Châu, có hơn 6.000 m2 đất nông nghiệp, trước kia gia đình chủ yếu trồng su su. Chung số phận với các mặt hàng nông sản khác, khi thu hoạch bán cho các thương lái với giá bấp bênh, không ổn định. Năm 2016, gia đình chị chuyển đổi sang trồng chanh leo tím dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cung ứng giống, vật tư của Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc. Chị Xếp cho biết, đến kỳ cho thu hoạch gia đình chị không phải tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm vì đã có công ty lo, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật công ty vẫn có người cân hàng, giá lại ổn định.
Thời gian qua, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người nông dân đã và đang khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp bền vững. Sản xuất nông nghiệp theo hình thức kinh tế gia đình tự phát đã bộc lộ những hạn chế nhất định, sản phẩm người nông dân làm ra chủ yếu được bán cho các thương lái, thị trường trôi nổi.
Người nông dân không thể định đoạt được việc tiêu thụ sản phẩm của chính mình làm ra. Để giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững, Sơn La đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người dân.
Mộc Châu là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2017, lần đầu tiên Sơn La xuất khẩu chanh leo sang thị trường Australia. Hiện Sơn La đã khởi công xây dựng nhà máy thứ 5 và sẽ khởi công nhà máy thứ 6 trong tháng 1/2018, chuyên chế biến sản phẩm nông sản công nghệ cao.
Ông Park Kyun Ik-Tổng Giám đốc Tập đoàn IC Food Hàn Quốc, một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Sơn La cho biết: “Nếu mô hình của IC Food Hàn Quốc thành công thì có lẽ sẽ kéo theo một làn sóng chuyển dịch rất lớn từ các công ty về chế biến lương thực của Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc chuyển dịch về Việt Nam.
Trong kế hoạch phát triển nhà máy của chúng tôi, dự kiến năm 2018 vùng nguyên liệu khoảng 800 ha, tiếp theo chúng tôi đầu tư vào dây chuyền công nghệ với diện tích vùng nguyên liệu có thể tăng lên 1.600 ha, hoàn toàn có thể chủ động việc xuất khẩu nông sản của địa phương sang các thị trường như Hàn Quốc và các nước trong khu vực.”
Để phát huy những kết quả trên, Sơn La đang tiếp tục quan tâm đến mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân. Theo các chuyên gia của Hội Khoa học kinh tế tỉnh Sơn La, cả người dân và doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ và thực hiện nghiêm túc vai trò của mình trong mối liên kết này.
Việc sản xuất, liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đây gần như là tính tất yếu trong giai đoạn hiện nay, bởi vì nếu hộ nông dân sản xuất hàng hóa đơn lẻ, khó cạnh tranh, khó tiếp cận thị trường, chỉ thông qua liên kết với doanh nghiệp, nông dân mới có điều kiện tiếp cận với thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Vùng nguyên liệu sản xuất rau sạch của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc - một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Sơn La.
Ông Trần Minh Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế tỉnh Sơn La cho biết, trong nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa là để bán, nếu bán ra thị trường trôi nổi mà bị thương lái chèn ép thì nông dân sẽ bị thiệt. Vì vậy, liên kết là con đường tốt nhất, là yếu tố khách quan. Hơn nữa, sản phẩm sản xuất ra không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, người nông dân không thể sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện.
Sơn La đang có chương trình phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc dự kiến đạt 100.000 ha vào năm 2020. Đi liền với phát triển cây ăn quả, Sơn La có chủ trương đẩy mạnh phát triển cây ăn quả đến đâu phát triển hợp tác xã đến đấy. Ông Trần Minh Dũng cho rằng ý tưởng này hoàn toàn đúng, nhưng xây dựng hợp tác xã phải là hợp tác xã thực chất, theo Luật Hợp tác xã 2012.
Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho rằng, để làm tốt chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản một cách bền vững, Sơn La phải thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp của tỉnh cũng như kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; thành lập nhiều hợp tác xã, nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân, sản xuất đòi hỏi phải có khoa học công nghệ, có trình độ cao.
Liên kết đòi hỏi đúng theo quy định mới có thể thực hiện một quy ước, quy trình sản xuất đạt chuẩn, giữa người nông dân và doanh nghiệp cùng chung lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Theo NGUYỄN CHIẾN (Báo Tin Tức)