Sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp

11/10/2023 - 08:50

Theo các chuyên gia y tế, với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Nguy hiểm hơn, do tâm lý chủ quan, nhiều ca bệnh trở nặng vì xử lý không đúng cách, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Nhiều ca nặng

Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận rất đông bệnh nhân SXH nhập viện điều trị. PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, hiện bệnh nhân SXH chiếm đến 1/3 số bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm. Bệnh nhân đông nên các giường đều phải nằm ghép 2, thậm chí ghép 3. Mọi năm, dịch SXH thường diễn ra vào tháng 8 đến tháng 10, thì năm nay, ngay từ đầu tháng 5, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH với số lượng ngày càng tăng. Hiện mỗi ngày có 20-30 bệnh nhân nặng nhập viện, trong đó nhiều người phải hồi sức do chảy máu, sốc, suy đa tạng...

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thông tin, theo thống kê, từ tháng 9, số lượng bệnh nhân mắc SXH phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Hiện tại, cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân SXH tại nhiều khoa. Các bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc, trong đó phần lớn là Hà Nội. Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc SXH với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc. "Những trường hợp này cần điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng đồng hồ, bệnh nhân có thể bị sốc SXH, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh phải đến bệnh viện, cơ sở y tế để được điều trị kịp thời", Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). 

Người dân còn chủ quan

Cả nước hiện ghi nhận gần 94.000 ca mắc SXH, trong đó đã có 26 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tăng, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 15.300 ca. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Đây cũng là điều đáng báo động khi người dân còn có tâm lý chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.

GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, SXH là một bệnh lưu hành quanh năm, do đó, việc phòng, chống phải được triển khai thường xuyên, liên tục, đồng bộ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2023 và 2024, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các bệnh do muỗi truyền. Tại Việt Nam, hiện chưa có vaccine phòng bệnh SXH, việc chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Để có những biện pháp dự phòng hiệu quả lâu dài, cần tập trung loại bỏ những ổ muỗi vằn, ngăn chặn vector truyền bệnh, đó là nhiệm vụ, chính sách cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao.

Trước diễn biến phức tạp của SXH, PGS, TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, tại thời điểm này, khi bị sốt, người dân cần nghĩ ngay đến SXH, vì nhiều trường hợp sốt nhưng không xuất huyết trong những ngày đầu nên chủ quan. Trung tâm đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do SXH, đa số là do đến viện muộn với bệnh cảnh sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa phủ tạng.

“Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh chuyển nặng do các tuyến dưới chẩn đoán và điều trị sai, phát hiện muộn. Do đó, bác sĩ ở các tuyến cần cập nhật việc chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành, trong đó cập nhật chi tiết về chẩn đoán, phân loại lâm sàng, phác đồ điều trị, các thể bệnh cho người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai...”, PGS, TS Đỗ Duy Cường chia sẻ.

Thực tế, tại các bệnh viện tuyến cuối đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân SXH nguy kịch, trong đó có cả người trẻ. Với tình hình bệnh nhân nhập viện gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo, các cơ sở y tế cần tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm dấu hiệu và phân loại tình trạng bệnh. Bệnh nhân nhẹ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà, bệnh nhân nặng (có dấu hiệu cảnh báo) cần được đưa đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, đa số trường hợp mắc SXH sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau một tuần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan khi mắc SXH, không chủ động đi khám mà tự chẩn đoán và điều trị tại nhà. Hậu quả là khi đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển sang mức độ trung bình và nặng. Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh SXH gây ra, các bác sĩ lưu ý, khi có tình trạng sốt, đau mỏi người, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm, tìm rõ nguyên nhân.

Với các trường hợp nhẹ hoặc SXH trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà nhưng tốt nhất vẫn cần có hướng dẫn của cán bộ y tế. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, kết hợp với việc nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hằng ngày. Người bệnh lưu ý không tự truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt cần theo dõi chặt chẽ như: Phụ nữ có thai, người đang mắc các bệnh nền như bệnh tim, phổi, ung thư, chạy thận nhân tạo...

Theo Quân đội nhân dân