Sửa soạn Tết ở quê

16/01/2024 - 05:19

 - Bước qua tháng Chạp, cuộc sống ở quê dần hối hả theo nhịp Tết đang về. Cảnh dọn nhà, dọn vườn, trang trí, mua sắm… nối nhau khiến lòng người cũng nôn nao. Cuối năm, gom lại cảm xúc dù vui hay buồn, ai cũng sắp xếp thời gian để dọn hết những cái cũ, sẵn sàng chào đón những điều tốt đẹp, mới mẻ.

Mấy bữa nay, đi đến đâu cũng thấy người người, nhà nhà tập trung làm mới nhà cửa. Đúng là “gấp như Tết”, hàng trăm việc phải làm từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ vườn trước sân tới ruộng rẫy sau hè. “Nhẩm tính từ rằm tháng Chạp, người ta đón Tết từ việc lặt lá mai, tảo mộ, đưa ông Táo. Từ dấu mốc này, ngày tháng dương lịch tạm gác qua một bên, thói quen bà con đếm tới 24 Tết, 25 Tết… kéo dài đến 30 Tết, rồi mùng 1, mùng 2…

Tuy vậy, từ rất sớm trước đó, Tết đã khởi động bằng việc quét dọn, tu sửa nhà cửa, trang hoàng lại tổ ấm. Điều này đã thành lệ truyền thống, nên bận rộn cỡ nào, già trẻ trong nhà cũng thu xếp mỗi người một việc cho xong” - bà Vương Thị Thía, thế hệ thứ 3 trong “đại gia đình” hơn 20 thành viên ở xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) chậm rãi cắt nghĩa cho con cháu.

Chuyện dọn nhà nghe thì dễ, nhưng phải có kế hoạch. Bà con sẽ bắt đầu từ chỗ rộng đến góc hẹp, từ ngoài vào trong. Việc đầu tiên luôn là sơn phết cổng, hàng rào, chăm chút hàng cây xanh, rồi mới tỉa tót cây nhỏ trong sân vườn.

Tranh thủ ngày nghỉ, anh Toàn (ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) sơn lại màu xanh mát mẻ cho cổng rào. Anh cho biết, nhà chỉ có 2 anh em là lao động chính. Em trai chăm sóc vườn mai, tất bật vận chuyển sang chợ hoa Long Xuyên vài ngày tới. Chợ hoa khởi động cũng là lúc họ thay nhau trực đêm để canh hàng chục chậu mai. Vì vậy, việc nhà có thể làm được lúc nào, anh tranh thủ ngay lúc đó. Năm nào cũng vậy, cả xóm vui rộn ràng không khí dọn dẹp, tổng vệ sinh. Có vườn mai vàng kín sân, nhưng anh Toàn không quên trồng thêm mấy chậu vạn thọ tạo điểm nhấn. Người miền Tây đâu thể thiếu bông thọ ngày Tết. Khi sánh bên sắc vàng của mai, hoa thọ sẽ nhân lên ý nghĩa may mắn, “vàng đầy nhà”.

Ngoài vạn thọ, người dân còn chuộng trồng hoa mào gà, cúc tây, hướng dương, bắp, lúa, hành, bắp cải… theo ý nghĩa tên gọi và màu sắc đem lại may mắn. “Hầu như ai cũng trồng vài chậu hoa ở nhà đón Tết, màu hoa phải vàng hoặc đỏ cho tươi tắn và cầu may. Còn cây trái ngụ ý ăn chắc như bắp, lúa gạo đầy bồ, cải nở hoa nở lộc… Quan niệm dân gian, bà con truyền tai nhau trồng “lấy hên”, sẵn cây nhà lá vườn rất tiện. Không phải vì hà tiện mấy chục ngàn đồng mua chậu hoa ngoài chợ, mà cảm giác được chăm sóc đợi cây lớn, ngắt đọt, tuyển lá, trổ bông đúng dịp năm mới rất vui. Bông hoa đẹp đẽ tươi rói sẽ tăng thêm không khí Tết cho gia đình” - bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) chia sẻ.

Trong vườn, mấy cây mai vàng được thay đất, sang chậu mới, chờ đúng ngày lặt lá để trổ hoa đúng hẹn. Quan sát cây cối, hoa trái quanh vườn phát triển tới đâu, bà con lần đếm tới các việc nối tiếp, như: Giặt giũ mùng mền, dán tường, trang trí phụ kiện, ra chợ sắm sửa quần áo, bánh mứt… Con nít mong cho Tết đến thật nhanh, còn người lớn có rất nhiều nỗi lo toan. Niềm vui chung là nhà nào cũng nao nức, rộn ràng. Nhà khá giả thì ăn Tết lớn, nhà khiêm tốn thì ăn Tết nhỏ, đâu có ai đứng ngoài cuộc chờ năm mới sang.

Bận bịu là vậy, phái nữ vẫn không quên chuyện làm đẹp. Kiều Tiên (quê ở huyện Chợ Mới) khoe, làm thêm trong tiệm tóc giúp chị có thêm thu nhập trang trải. Hình ảnh quen thuộc nhưng khiến cô nàng 2K thích thú là tiệm ở quê thường ít thợ, lúc nào cũng đông nghẹt khách, mấy chị thợ “được mùa” đếm tiền mỏi tay.

Việc nhà nhiều, người đông, nên có khi uốn xong mái tóc chưa kịp xả, mấy cô, mấy chị đã quay về nhà tranh thủ chùi bộ nồi, đánh bóng mấy cái chảo, thấy cảnh mà vui lây. Ngoài đường, dòng xe xuôi ngược hối hả, “chợ di động” bán đủ loại từ vải vóc, cây kiểng, mùng, mền cho đến hoa giả được các bà nội trợ săn đón tích cực. Sắc xuân miệt vườn tạo nên nét duyên riêng, làm nên bức tranh văn hóa ngày Tết thêm sống động.

Lật giở từng tờ lịch, Tết Nguyên đán đến gần, xóm làng thêm phần rôm rả. Dù vất vả, nhưng đây là dịp để gia đình cùng làm việc với nhau, mỗi người góp một chút mới mẻ vào ngày Xuân mỗi năm chỉ 1 lần. Thi thoảng, con cháu được nghe người già nhắc về “Tết hồi xưa” ra sao, có năm đầm ấm, có năm thắt ngặt vì mùa màng. Nhưng tình làng nghĩa xóm, cách đón Tết qua bao đời luôn kỳ vọng về những điều tốt đẹp. Xa hơn nữa, họ kể về Tết tuổi thơ, so sánh với lớp con cháu bây giờ. Tuy có những chỗ khó đồng điệu, nhưng các thế hệ đã dung hòa, cùng chuẩn bị đón Tết nhẹ nhàng, ấm áp.

HOÀI ANH